Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

KẾT THÚC MỘT CHUYỆN TÌNH !

KẾT THÚC MỘT CHUYỆN TÌNH !
20:00 12 thg 6 2012Công khai687 Lượt xem 66
        Cách đây mấy hôm, Lão đưa anh Bạn Việt kiều Mỹ đến thăm quán nước của đôi tình nhân này vào buổi Tối. Thấy khách vào uống nước trà , cô gái để con bé nằm trên miếng ván để rót nước. nó khóc ré lên dãy dụa rất thương tâm. Lão hỏi : Thế ông già đâu rồi hả Em : Cô ấy trả lời : Bố Em đang nằm trong bệnh viện ( Có ai hỏi về ông ấy, cô ấy đều bảo đó là bố em ). So với những năm trước cô gái này đã cứng cỏi và khôn ngoan hơn nhiều, Lão chụp ảnh đứa bé , thì cô ấy la ầm lên : Đừng chụp , bây giờ nhiều người bắt cóc trẻ con lắm. Lão buồn cười vì nó chẳng ăn nhập với việc Lão chụp ảnh cả. Ông bạn Việt Kiều cũng đã mục sở thị cái cảnh màn trời chiếu đất của cặp tình nhân lạ lùng này. Vì trước đây Anh chỉ được đọc trên mạng mà thôi.
                            

                            Mỗi khi mẹ nó đặt nó xuống là nó lại khóc ré lên.
           Đến đêm hôm qua Lão đi có việc khi về vòng qua con phố Văn Miếu đoạn đầu Phố Nguyễn Khuyến thấy có hàng nước trà chanh , Lão đỗ lại gọi cốc nước , thì lại nhìn thấy mẹ con cô gái ấy cũng ngồi mua nước, hôm nay lạ hơn là mặc bộ đồ đen. Lão hỏi ra mới biết là ông Lão đã mất được mấy hôm tại bệnh viện Thanh Nhàn. Qua nói chuyện với cô chủ quán và mấy người cùng ở phố đó, mới vỡ ra nhiều chuyện; Sau khi ông cụ mất cô ấy không bán nước nữa và cũng không ngủ ở chỗ mọi khi, mà sang bên vỉa hè bên đường ôm con ngủ vạ vật. Hàng ngày vẫn vào nhà người bà con của ông cụ để thắp hương cho ông ấy. Cái việc ông ấy mất trong bệnh viện cũng may có họ hàng của Ông ấy đứng lên lo liệu. . Bây giờ cô gái này sống quanh quẩn ở đấy, ban ngày phụ vài việc linh tinh cho mấy người quen. Đi đâu cũng ủn cái xe có đứa con gái còi cọc đen nhẻm , mẹ cứ đặt cuống xe là khóc ré lên.
                  
                                                          
             Hai mẹ con ngồi mua nước và kể chuyện của mình cho chị chủ quán nghe.
                                                          
                                                           
                                Chỗ này đã được dọn tương đối gọn, nhưng vẫn còn hôi hám lắm.
          Mọi người hỏi cô ấy : Sao không về quê mà sống  ? Cô ấy bảo : Về quê lấy gì mà ăn , ở đây còn kiếm được chút ít. Nhưng có điều Lão không ngờ khi nghe dân phố ở đây nói rằng cô ấy đã hai ba lần bán con, lần thì mười triệu , lần năm triệu. còn con bé này cũng có người muốn mua nhưng cô ấy bảo  để nuôi nó sau này còn có chỗ dựa. Nhìn hai mẹ con nhếch nhác hôi hám mà thấy ái ngại. Hàng ngày cứ sống nơi vỉa hè đó, từ khi ông lão còn sống , nhiều lúc ông ấy bĩnh ngay trên vỉa hè, cũng chẳng ai dám nói, khi đứng ở nơi có túp lều đó để chụp ảnh thì Lão thấy nồng nặc mùi xú uế bốc lên , thế mà nó đã tồn tại gần chục năm rồi, ngay cả ngày lễ tết thì họ vẫn ở tại nơi này. Ông cụ đã mất , cô gái cũng không dám chiếm dụng chỗ vỉa hè đó nữa, nơi đó đã có vài đứa trẻ ra đời, cũng chẳng biết đứa nào là của ông lão, đứa nào của người dưng , nhưng cứ nghĩ đến cảnh này Lão lại buồn cho cái sự đời trớ trêu bệnh hoạn ngay bên bức tường Văn Miếu bao nhiêu năm nay mà cứ mặc nhiên tồn tại. Ở nơi nào đó trên cao ông lão có linh thiêng thì hãy dẫn đường chỉ lối cho cô ấy một con đường đúng đắn thoát khỏi bế tắc như hiện tại Ông nhé , cầu mong Linh hồn ông an lành mát mẻ !

                                       
                    Hôm Lão đưa Anh Bạn Việt Kiều đến uống nước.
                                          KTIM1202.JPG
                                 Còn đây là cảnh cặp tình nhân đang bán nước vào dịp Tết năm ngoái . Ông cụ lúc nào cũng mệt mỏi như vậy.
                                                  SAM_0994.JPG
                                                                 Đây là chỗ trú ngụ của cặp tình nhân này !
                                                  SAM_0997.JPG




Sau đây mời các bạn xem lại bài viết về mối tình này của Bloger : Poll ( http://blog.yahoo.com/_CBXY5LO5LF6HSN2M7WXX52OSBI/articles/98487/index )
                                       TÌNH YÊU...CỦA TRANG?
14:41 17 thg 6 2012Công khai3 Lượt xem 1

Nhuyễn Poll chia buồn cùng Thu Trang vì người bạn đời của em đã vĩnh biệt cõi phàm!
                                        
                        (Thông tin này do Lão Quang Thâu truyền tải)
Tìnhyeêu caTrang
   Nguyễn Thu Trang.
    Foto: Poll  (Văn Miếu chiều 16 /02 /2011)    

Tôi gặp em một chiều tháng 2 Văn Miếu. Trời Hanoi se lạnh. Những nhành cây đang phơi mình trong khoảng trống của không gian ba chiều âm u, sũng ướt. Bức tường bao quanh khu Văn hiến cổ xưa, tháng năm đã sói mòn lở loét, nơi tàng chứa  linh hồn của các bậc hiền tài đang lẩn khuất với non sông.
        
Bên trong bức tường thâm nghiêm, nơi Thánh Thần và các Tiến Sỹ tiền nhân lặng lẽ trang nghiêm. Ngoài tường là vỉa hè em ngồi bán trà nước, kế bên là mấy ông Thầy đồ đang vọng nhớ những khung xương để xếp thành chữ Hán bán cho cả người hiền kẻ ác. Người mua tri thức, kẻ vãi tiền. Chỉ một chữ mà các ông đồ tra từ điển Hán - Việt viết trên một tờ giấy đỏ dài 60cm rộng 30cm, ông ta thu về 150.000Đ.V.N.
         
Còn em bán mỗi cốc nước trà 1000 Đ. Em năm nay 29 tuổi, da ngăm đen, môi quả tim hơi dày, nhìn em tôi nói:
           -   Em, nhìn trên góc độ Bát Sát thì là người thật thà. Nhưng ngay bây giờ em đang rất lúng túng, não bộ em phát sóng yếu ớt, chập chờn và nếu có muốn nói ra điều gì đó thì em sẽ phải nói dối?
          
Cô gái rướn cao đôi mày chẳng mấy cánh cung,hỏi:
           -    Anh mới đến Hanoi?
           -    Vâng, mới đến sáng nay.
           -    Anh từ đâu đến?
           -    Từ phố Lê Đại Hành.
           -    Vậy anh là người Hanoi?
          
Nghe giọng em phát âm, hỏi:
           -    Hình như em cũng không phải người Hanoi?
           -    Vâng thưa, em người Kiến An!

       

Thế rồi em kể tôi nghe vì sao em trôi dạt lên đây. Cha, mẹ em có ba người con, em là lớn, dưới em còn một em gái và một em trai. Rồi Cha mẹ em chia tay nhau khi em tròn 15 tuổi. Đằng đẵng 7, 8 năm trời, em phấp phỏng đợi cha về, thì ra cha em đã theo người tình ở mãi tận miền trong và bỏ mẹ con em ở lại. Học dở lớp 9 thì mẹ em đổ bệnh, em nghỉ học đỡ đần. Một ngày có đoàn Nhà Văn từ Hanoi xuống Kiến An thăm thú. Em đã gặp người trai hay Thơ, đàn giỏi. Tôi ngắt vội lời em:


           -    Người ấy có phải Nhà Văn hay Nhà Thơ không?

           -    Thưa, lúc ấy em không hỏi, nghĩ rằng anh ấy cũng phải như thế.
          
Rót cho tôi chén trà, em kể tiếp "...Đã hơn 10 năm rồi anh ạ, nếu trời thương thì em đã cho anh ấy một đàn con...nhưng tuổi trẻ bồng bột, em đã làm mất hậu nhân của người ta. Qủa thật ngày ấy anh ấy rất phong độ, hay nhất là tiếng đàn guitar vọng vào đêm khuya khoắt khiến em, một cô gái mới lớn lên "nơi đồng chua nước mặn" đến nao lòng và em đã yêu trộm nhớ thầm anh ấy".
          
Trớ trêu thay, anh ấy hơn em gần 40 tuổi, nhưng xem ra trai Hanoi người ta trẻ lâu thật... Lúc đầu sống với anh, em rất ngượng khi gặp người thân, em muốn gọi anh ấy bằng Cha, điều này hơn một lần em đã đề nghị. Nhưng rồi dường như làm như vậy em càng ngượng hơn với trái tim mình, bởi em đã yêu...và nguyện hiến đời con gái trinh bạch của mình cho tình yêu ấy!

       foto: Poll       
          
Một ngày em lên Thủ Đô, tạt vào thăm anh ấy thì thấy gia cảnh thật đáng thương, ở có một mình trên căn phòng gác hai ngổn ngang, chật hẹp, hình như đó là nhà một khu tập thể. Rồi anh ấy đưa em đi ăn bánh tôm Hồ Tây, ăn kem Bốn Mùa và ngắm cầu Thê Húc. Trái tim em đã bắt đầu rung và hướng về anh ấy mất rồi, ôi mối tình đầu của em. Anh ấy hứa sẽ cưới em, nhưng chờ mãi mà ngày ấy vẫn xa lắc xa lơ đến mỏi mòn con mắt.
          
Một ngày cha đẻ em về, sau phút mẹ cùng cha ngủ vùi trong buồng kín rồi hai người lại cãi nhau và cha lại ra đi. Hận cha, hận mẹ, em khăn khói lên Hanoi và em trở thành vợ không chính thức của người đàn ông cô độc hơn cả tuổi bố mình.
          
Ở với anh được hơn năm mà em chẳng biết anh làm gì, cứ tối đến anh khóa cửa bảo em ở nhà, anh cầm cây đàn guitar đi mãi đến khuya mới về, móc túi đưa tiền cho em ngày mai đi chợ. Một hôm em thấy anh đem về thật nhiều tiền, chừng gần chục triệu. Anh đưa cho em một nửa, nói:

          -    Anh đã mua được của Phường một chỗ bán hàng, em chuẩn bị tư thế làm bà chủ quán!

          
Em khấp khởi mừng thầm, thế là kết thúc những ngày tháng làm người tù, em sẽ như con chim sổ lồng, không còn phải chờ đến lên đèn mới được xuống đường ngắm phố và ngắm dòng người tất bật ngược xuôi, bươn trải.

           -    Nhưng tại sao em lại cam chịu để chồng em nhốt?

           -    Phải thế thôi, anh ấy sợ mất em và em cũng không muốn mất anh ấy.

  Văn Miếu ngày đầu xuân (Foto, Poll)
        
Em kể tiếp: "Tưởng rằng quán xá thế nào, thì ra đó là một chỗ ngồi ở vỉa hè, chính nơi này đây anh ạ. Em căng bạt và bán nước trà, dần dà em cũng có bạn, người thì hỏi em con ai, có chồng chưa. Có rất nhiều chàng trai tử tế tới đánh tiếng, tán tỉnh. Khi thì em nói là cháu người này, lúc thì nói là vợ người kia. Như lúc nãy em thấy anh vào uống nước, em đã dối là con nuôi một người già tàn tật?
          
Một ngày năm trước, chờ mãi không thấy anh ấy về, khoảng bảy tám giờ tối có một toán năm người đến bảo mở cửa, em vừa hé cửa thì họ ào vào, chẳng nói chẳng rằng, một anh nhìn em sừng sộ:

         -    Cô là thế nào với chủ nhà?

          
Em thật lúng túng chẳng biết nói sao, lâu sau mới mở miệng:

          -    Tôi là cháu ở quê lên!

          
Một thằng đưa cho em tờ bạc 20.000Đ và nói:

          -    Cầm lấy tiền về quê ngay,chúng tôi đã mua lại căn nhà rồi!

          
Hắn chìa cho em xem giấy bán nhà viết tay có chữ ký của anh ấy. Em lặng lẽ ôm đống quần áo đếm bước bậc cầu thang như đếm những niềm đau, tủi hổ. Nhưng khi ra tới phố em bỗng giật mình, kìa người đàn ông mà em yêu như cha, quý như anh và ăn ngủ với nhau như vợ chồng sao lại ngồi kia, ngay trong ô hàng em bán nước.
         
Anh ngồi thu lu, lưng tựa vào tường, ống chân quần máu ra đỏ quạnh.  Em lao tới ôm lấy anh và anh cũng ôm chặt lấy em, cả hai chẳng cầm được nước mắt. Anh đập đầu vào tường đến rớm máu, em nói trong thổn thức:

           -    Em có để anh thiếu cơm, thiếu rượu đâu mà sao anh nỡ bán nhà?
           -    Anh không bán mà là thua cá cược lô đề em ạ.
        
Rồi anh móc túi đưa em hơn một triệu, nói:

           -    Trang ơi, anh không còn là một con người. Em hãy cầm lấy số tiền này mà về quê sinh sống, từ nay anh ăn ngủ ở đây thôi...
          
Đang nói chuyện bỗng Trang im bặt. Tôi nhìn quanh thấy một người đàn ông già nua, tay chống cái gậy bốn bánh xe lọc cọc đi tới. Họ không xưng hô cha con, người đàn ông ngồi xuống bên tôi ngâm nga một khổ thơ Kiều, hệt như một gã đi câu rắc thính để con mồi tụ đến. Tôi mỉm cười với cái vốn văn học của ông ta, nói:

           -    Tôi không phải là người mà ông dễ dụ đâu.
           -    Ôi xem nào, cái tai, ừ cái tai và đôi mắt cậu thật đẹp.
 
Tôi mỉm cười nhìn thẳng vào đôi mắt ông chẳng còn thần, ông vội lảng tránh quay lại phía Trang, hỏi:

         -    Em đã ăn gì chưa ?

  Poll lặng lẽ chụp hình mộ bia tiến sỹ!
          
Biết ông ta đang đói bụng, Trang cúi đầu ấp úng:

         -    Em không đói!
          
Thật là khớp với câu trả lời của Trang với mấy anh chàng lái xe du lịch đưa khách thăm Văn Miếu vào quán em uống nước, tình cha con hàm chứa một tình yêu... Ông ta nhìn tôi vẻ chẳng mấy cảm tình, dường như ông sợ mất Trang, nói:

           -     Đi mua cái gì mà ăn?
        
Trước đó chừng như Trang đói bụng, tôi nhớ em hỏi:

           -    Anh đã ăn gì chưa?
          
Với câu hỏi này mà giành cho khách vãng lai, lại chưa một lần gặp mặt sẽ khiến người ta khó hiểu. Còn tôi giờ này mới hiểu người đối thoại đã hỏi thật lòng mình. Nhìn hai người họ, tôi nói:

         -    Tôi thèm phở, phiền em mua cho 3 bát được không?
        
Trang lắc đầu, liếc nhìn người bạn đời như dò hỏi. Người đàn ông tàn tật nhìn tôi rồi nhìn Trang nói:

         -    Cậu ấy cũng đói thì cứ mua về đi?
          
Tôi lấy ra tờ bạc 100.000 Đ đưa Trang, em nói:

         -    Vậy mua bánh mì anh nhé?

   Cổng vườn"nguyên khí quốc gia" Foto: Poll
          
Lâu sau Trang đem về ba cái bánh mì sừng bò nóng hổi, đưa bánh cho tôi và cho bạn tình, trả lại tiền thừa 40.000. Người đàn ông tàn tật cầm tấm bánh mì, bóc bỏ lớp giấy kính, nhìn tôi nói:

         -    Bánh này ngon nhất Văn Miếu đó cậu ạ!
          
Tôi chẳng mấy mặn mà với bánh mì. Ông ta bảo Trang rót 2 chén rượu, đưa tôi một chén, tôi khẽ nhấp môi lâu sau nói:

           -    Ông muốn khỏe lại và lành lặn cái chân, trước hết hãy ít uống rượu và tập đi lại. Não bộ phải luôn suy nghĩ rằng mình hãy sống khỏe mạnh vì mình và vì người mình yêu.
          
Ông ta không còn muốn xem tướng cho tôi để nói những lời bông lông ba la của kẻ bịa chuyện kiếm miếng ăn. Tôi cáo từ, vội tặng lại hai người khốn khổ hai tờ bạc 20.000 Đ thối lại của ba chiếc bánh mì. Nhìn chiếc võng tòn ten vắt ngang trên tường Văn Miếu và cái bạt che nắng che mưa, dưới đó là mấy cái niêu đen đúa đúc trong bao nilon trắng quầng thâm như trời Văn Miếu mây vần vũ. Nơi ở của họ đây, tổ ấm của hai loài " đực, cái" ngay dưới chân tường thâm nghiêm Văn Miếu.
          
Lòng tôi bỗng trùng xuống, nao nao suy nghĩ về một tình yêu của một con người trong thế kỉ mà đồng tiền đang là những mũi tên "đâm toạc tờ giấy", làm bướu sưng con tim biết bao "người mẫu", "gái chân dài", những "hoa hậu, á hậu", những ca sĩ rẻ tiền đang ngày đêm gào thét trên "Sân khấu trần gian mịt mù khổ ải" với những lầm tưởng mình cao sang bậc nhất thiên hạ. Vâng thiên hạ thì vẫn nhớ người xưa nói "xướng ca vô loài..." "Thôi có làm chi cái lũ tuồng..." "Thằng đàn con hát..." Thật trạnh lòng, người ca sĩ chân chính sao bây giờ vắng thế?
          
Những đồng tiền chẳng mấy lành lặn, nát bấy máu hôi tanh của những kẻ lừa lọc nhân quần, đồng loại và đất nước, những tên cướp ngày và những kẻ lừa đảo để trở thành cái gọi là "Đại gia". Họ bơi trong bể đói nghèo, lạc hậu, què quặt về pháp luật và đạo đức để vinh thân phì gia. Một đất nước chưa cất được gánh nặng đau thương của một thời cha ông ta nhịn đói, cởi trần đánh giặc?

   
Ngồi viết bài này Poll tôi vẫn tháy lòng mình se lại, trống trải, bâng khuâng. Làm sao Trang lại có một nghị lực phi thường để sống cho một tình yêu như thế. Có lẽ Trang đã vượt ra ngoài phạm trù tình yêu của xã hội đương đại của loài người. Nó đã để lại trong Poll một dấu ấn khó phai sau nhiều năm xa tổ quốc nay trở lại?
          
Poll thầm nghĩ, nếu cho tôi một người đàn bà có một tình yêu tưới đẫm hồn tôi như thế, thì dù có phải quăng bút, quẳng cây đàn để đạp xích lô, chạy xe ôm nuôi nàng, tôi cũng cam tâm vì nàng mà tận tụy. Trong khi người ta đua nhau kín hở khoe cái thân thể mĩ miều mà thượng đế đặc ân để bòn rút đồng tiền từ những anh chàng giàu sổi thì Trang lại thu mình trong vỏ bọc một tình yêu tận tụy hiếm hoi,
          
Thu Trang hòn ngọc của tình yêu loài người mà thượng đế đã ban phát nhầm chỗ cho người đàn ông nát rượu, ốm yếu ngồi đây!
          
Em, Thu Trang đã khắc vào bia mộ một tình yêu bất tử của người con gái Việt Nam, dẫu ngày mai em có hóa đá thì vẫn là Nàng Tô Thị của đất trời này!


Thu Trang và người bạn đời của em.         foto: Poll       
                    Hanoi,chiều 16/2/2011

4 nhận xét:

  1. Anh ơi, anh có nhà ko ạ? Em sang thăm anh nè. Em chúc anh tối vui nha anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão có nhà đây , Cảm ơn Em đã sang thăm Lão nhé !

      Xóa
  2. Truyện hay đời thật vậy hả anh? Thật trớ trêu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Truyện thật đấy chứ. mẹ con cô ấy vẫn bán nước ở tường Văn Miếu. đêm vẫn ngủ vỉa hè đấy.

      Xóa