NGÕ CỤT !
Truyện ngắn của Lao Quangthau
Căn nhà của
gia đình bà Sửu nằm cuối cùng trong con ngách nhỏ, chỗ này cứ mưa là ngập nước,
nó bốc mùi hôi thối thật khó chịu. Căn nhà ba tầng nhỏ xíu cỡ chừng hơn mười
mét vuông. Bà Sửu ở tầng một, mẹ con đứa con dâu ở tầng hai, còn thằng con trai
út của bà ở tầng ba. Dạo này nó cũng kiếm được nên mới lắp thêm cái điều hòa,
thỉnh thoảng nó đưa bạn gái về ở một hai bữa. Mang tiếng nhà ba tầng thật đó,
nhưng trong nhà thì tối thui, mùi hội hám mốc meo bốc cả ra ngoài, gia đình bà
Sửu thì quen sống như vậy rồi nên mọi thứ đều rất bình thường. Cái lụp xụp hôi
hám tù đọng đó đối nghịch với bên kia con đê là khu phố cổ của Hà Nội, với
những nhà hàng khách sạn rực rỡ đèn hoa và thơm nức mùi thức ăn hay mùi nước
hoa đắt tiền của khách lưu trú.
Bà Sửu nằm
trên chiếc giường một của mình, giường được kê sát với bức tường trong, đầu
giường nhô ra đến một phần ba cửa ra vào, bà nằm đấy có thể quan sát mọi thứ
xảy ra ở phía ngoài. Trời đã chớm thu, cái nóng
gay gắt không còn nữa, thay vào đó là cái hanh hao khó chịu. Bà tiết
kiệm nên không bật quạt, tay bà liên tục ve vẩy chiếc quạt bà cắt ra từ thùng bìa
các tông. Có lúc bà phát nghe phạch một cái là có con ruồi hoặc con muỗi vô
phúc nào đó bị lìa đời. Trong đầu bà bây giờ cứ quẩn quanh với việc con Hương
cháu nội bà, nó ra đi lúc nào không hay. Mấy hôm nay nó đã kiệt sức, cơ thể nó không còn đáp ứng được
với máy móc chạy thận nữa. Rồi bà nghĩ ; Sao gia đình bà lại khốn khổ đến vậy.
Mươi năm về trước thằng con trai lớn của bà
phát bệnh suy thận, bà phải bán cả cái nhà có cái cửa hàng nước hàng ngày
thu nhập ổn định để chữa bệnh cho nó. Vậy mà nó vẫn chết đem theo một mớ tiền
của bà. Mẹ kiếp; may mà mình mua được cái nhà con con này. Vậy mà mấy năm nay
con gái nó cũng lại phát bệnh như thằng bố nó. Bà đang miên man dòng suy nghĩ
thì tiếng chuông điện thoại để bàn réo lên cái âm thanh lanh lảnh méo mó
làm bà thật tức tai.
Bà Sửu uể oải
ngồi dậy , lại gần cái máy điện thoại. Bà nhấc máy rồi hỏi : Ai đấy ? Có tiếng
thằng cháu ngoại của bà ở đầu dây bên kia nói : Bà ơi chị Hương chết rồi, vừa
chết lúc mười một giờ bà ạ. Bà nghe nó nói vậy thì đột nhiên cái lạnh chạy dọc
sống lưng bà. Bà nghĩ; Điều bà đang lo xảy ra cũng đã xảy ra. Thôi thế cũng tốt
cho nó đỡ phải chịu đau đớn. Bà bảo thằng cháu : Mày điện cho cậu mày để nó
biết đường mà tính chuyện ma chay đi. Nói đến đó bà cúp máy nghe đến cạch một
cái, tiếng kêu cụt lủn khô khốc cất lên rồi tắt lịm. Bà Sửu lại gần giường rồi
năm xuống. Nước mắt của bà đã cạn khô từ lâu, cái tin cháu gái của bà chết đến
với bà cũng thật dửng dưng, bên tai bà văng vẳng những câu hờn trách của con
Hương ; ‘‘ Bố cháu bị bệnh thì bà bán nhà đi chữa cho bố cháu, còn cháu bị thì
bà không chịu bán nhà chữa cho cháu ’’. Khốn nạn cái thân bà , cái nhà bé xíu
này bán đi thì cả một đống người sẽ ở vào đâu, mà có bán nhà thì nó vẫn chết
như bố nó thôi mà. Bà cứ miên man với đủ
thứ chuyện ùa về rồi bà thiếp đi lúc nào không biết
Gia đình con
Hương chuyển về cái ngách cụt này cũng được dăm năm nay rồi. Nó bước vào tuổi
mười tám với thân hình dẹo dọ, đen nhẻm, tóc tai khô cứng . Bố nó chết vì bị
suy thận lúc nó bắt đầu dậy thì, mới học hết lớp bốn thì bỏ ngang không chịu đi
học nữa, cũng may là còn biết đánh vần được vài con chữ. Trong ngôi nhà tối tăm
hôi hám, nó lớn lên cùng những lời tục tằn thô lỗ của bà nội, của mẹ nó. Rồi
Chú nó, anh nó đều nghiện cả. có lẽ vậy mà nó thấy rất bình thường. Nó chẳng có
mơ ước cao sang gì, nó yêu một thằng trong đám bạn hút của chú nó rồi lấy làm
chồng. Hai đứa đẻ ra một thằng con trai da cũng xám xịt mốc meo như bố mẹ,
thằng bé như cái dải khoai, nhìn nó ai cũng phải xót xa. Vợ chồng con Hương ở
với nhau được gần hai năm thì thằng chồng bị bắt về tội nghiện hút và tàng trữ
mua bán ma túy. Rồi đến thằng chú nó cũng bị bắt đi tù. Cả cái bãi này đi đâu
cũng nhìn thấy bọn nghiện. Chúng dật dờ khắp nơi, đứa có gan thì bán lẻ cho đại
lí để có thuốc chơi, đứa gan nhỏ hơn thì đi trộm cắp móc túi. Con Hương hàng
ngày ôm con phụ với mẹ với bà nội nó bán nước ở ngoài đường cái. Thằng
chồng Hương đi tù được hơn năm thì nó
lại quen một thằng nghiện rồi thằng đó cũng về ở luôn nhà nó.
Thằng Tuân
người nhỏ bé, da xám xanh, gầy đét. Được cái nó cũng hiền lành, coi thằng con
của con Hương như con mình. Cứ được vài bữa là con Hương lại tru tréo lên chửi
thằng chồng hờ của nó : Đ.. con mẹ mày , mày lại lấy tiền của bà đi hút trích
rồi hả… hàng xóm lại điếc tai vì tiếng khóc, tiếng chửi rủa của nó. Thằng Tuân
thì im như hạt thóc không nói lại một lời. Con Hương luôn sai bảo được thằng chồng
nó, tội cho thằng Tuân răm rắp nghe theo. Hai đứa đúng là xứng đôi vừa lứa. đều
đen đúa xấu xí, lại hôi hám khủng khiếp. Ngôi nhà Chẳng có mấy khi được yên
tĩnh, không có tiếng chửi của bà nội con Hương thì đến mẹ nó, đến nó chửi chồng
chửi con. Cả nhà ngoài cái xác nhà ra thì sinh hoạt cực kham khổ, mùi cá biển
khô nướng hay rán thường xuyên bốc lên khắp ngõ.
Con Hương tự
nhiên phát bệnh, khi đi khám thì bác sĩ nói; Nó đã suy thận độ ba, phải chạy
thận mới sống được. Vậy là nó mang gen di truyền của bố nó. Nhà nó cái ăn chưa
đủ thì tiền đâu mà chạy thận. Bà với mẹ nó đi vạy mượn họ hàng để lo cho nó. Cứ
đến phiên chạy thận là thằng Tuân lại trở con Hương đi trên chiếc xe Dream tầu vào
bệnh viện. Tội thằngg chú ruột con Hương được ra tù trước thời hạn; Thấy cháu
gái mình bệnh tật như vậy, ông chú lại nhắm mắt đi bán lẻ ma túy để có tiền
chạy thận cho cháu. Từ lúc con trai út về bà Sửu không ra bán hàng nước buổi
sáng nữa mà trao lại cho con dâu bán cả ngày. Mẹ con Hương người nhỏ bé , nước
da mầu đồng nhìn qua cũng biết là dân bờ bãi. Con gái ốm nặng, nợ nần ngập đầu nên mẹ nó cũng tham
gia bán lẻ ma túy cùng chú nó.
Tết xong
tình trạng của con Hương bệnh nặng hơn,
phải lọc máu nhiều hơn. Người nó bây giờ nhìn thật kì dị. Mặt thì bủng
ra, đôi tay teo tóp bé tí , nhưng bụng và đôi chân thì phù ra rất to. Nó đã vào
giai đoạn cuối của suy thận. Thằng Tuân vẫn chăm chỉ đưa vợ đi lọc máu. Khi ở
bệnh viện về, nó thường bắt thằng Tuân mang cái ghế nhựa ra cửa nhà bên cạnh để
nó ngồi. Nó tẩn mẩn cậy những miếng cao
dán vết kim tiêm rồi bông băng vứt ra xung quanh nó, bóc chán thì quay sang gãi
đầu... cứ tỉ mẩn như vậy một lúc là nó chán, nó quay qua quát chồng nó : Thằng
Tuân đâu đưa tao đi loanh quanh đi, tao ngồi nhà khó chịu lắm. Thăng Tuân lại
lóc cóc lôi xe ra trở nó đi vòng quanh mấy con phố, để lại một đám bông băng
dính máu, bốc mùi hôi hám tại chỗ nó vừa ngồi. Thằng Tuân cũng chiều vợ nó :
Thỉnh thoảng vợ nó thích ăn gì nó lại đưa vợ nó vào quán ngồi ăn. Hình ảnh hai
con người dẹo dọ bệnh tật vô hồn quá quen thuộc với mọi người. Ai cũng khen
thằng chồng tốt nhịn và chiều vợ.
Mấy tháng nay Con Hương càng ngày càng khó
tính hơn, nó chửi thằng Tuân bất kể ngày hay đêm, sai nó làm đủ thứ. Nhiều lúc
Thằng Tuân chán nản ỳ ra thì nó lại gào lên : Bà ơi bà bảo thằng Tuân nó đưa
cháu đi đi. Mất công bà Sửu phải ngọt nhạt vỗ về thằng cháu rể chịu khó chịu
đựng nó. Nhưng rồi thằng Tuân cũng không chịu được cái sự cáu bẳn bất kì lúc
nào của vợ, nó bỏ ra đi không nói với ai một lời. Con Hương bây giờ đã phải vào
viện nằm tại khoa hồi sức cấp cứu. cơ thể nó không còn đáp ứng được với đống
dậy dợ, máy móc nữa. Nó thường nằm mê man, thỉnh thoảng tỉnh dậy có lúc nó gặp
được thằng con trai anh em họ nó đưa vào, hai mẹ con nói với nhau được mấy câu
lại thôi. Thằng cu tí con nó năm tuổi rồi nhưng người bé tẹo, da dẻ cũng xám
xịt, nó được thừa hưởng từ người cha nghiện ngập cùng người mẹ bệnh tật nên nó cũng
không bình thường như con người ta, trong cái thế giới riêng của nó, từ hành vi
ứng xử cho đến lời ăn nói , kiểu chơi của nó đều khác biệt với trẻ con cùng lứa.
Con Hương đã
mất. Nó được gửi trong nhà xác bệnh viện để đợi đến ngày giờ phúng viếng , rồi mang
đi hỏa táng. Nhà nó chẳng có ai khóc. Bà Sửu nằm trên chiếc giường của mình tay
phe phẩy cái quạt. Thằng cháu ngoại đi vào hỏi : Bà này. Thế mười hai giờ trưa
nay phát tang mà có một tiếng để phúng viếng thôi à ?. Bà Sửu bào : Ừ tiền đâu
ra mà thuê lâu, một tiếng là cũng được rồi. Đứa cháu ngoại nghe bà nói vậy thì
không hỏi han gì nữa mà miệng lẩm bẩm : Thôi vào bệnh viện, chuẩn bị đến giờ
viếng rồi. Đám ma chỉ có lèo tèo vài người trong họ hàng thân tộc, với đám bạn
nghiện của chồng cũ và của chú nó. Thằng bé con của con Hương thấy mọi người ra vào đông đúc thì nó có phần
vui lắm, mọi người bảo nó vào khóc mẹ đi, nó chỉ cười, nó đã biết cái sự chết
là cái gì đâu, có đông người là vui rồi. Chẳng ai khóc cho con bé. Tội nghiệp
nó mới bước vào tuổi hai mươi ba. Hết giờ phúng viếng con Hương được đưa lên xe
tang rồi trở về qua nhà, cho nó nhìn lại
ngôi nhà một lần cuối trước khi trở thành tro bụi. Ngọn lửa trong phòng hỏa
táng bùng lên nuốt gọn chiếc quan tài gỗ,
lúc này mới có mấy tiếng khóc hờ : Hương ơi…ới Hương ơi..! ( Hết )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét