Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

NGƯỜI CŨ, PHỐ CŨ ! Truyện ngắn của : Lao Quangthau/ 11-2-2019 ( Mùng 7 tết )

NGƯỜI CŨ, PHỐ CŨ ! Truyện ngắn của : Lao Quangthau/ 11-2-2019 ( Mùng 7 tết )


    Sáng mùng một tết. Trên con phố cổ, nhà nhà đều đóng cửa. các khách sạn nhà hàng im ắng đến lạ. Bà Nhuận loay hoay ngồi lên chỗ thềm si măng, nơi ngày xưa ông Nhuận xây quanh gốc cây hoa giấy già , cũng là nơi ông ấy để cốc chén cho tiện. Cái ngõ hẹp, bên trong chỉ có bốn hộ gia đình, trong đó căn buồng của gia đình bà ở cuối cùng trong ngõ. Cả ngôi nhà này được xây theo kiểu Pháp cổ, có từ đầu thế kỉ hai mươi. Bà Nhuận ngồi trên bậc si măng đó, mắt thẫn thờ vô cảm , bà đã xấp xỉ chín mươi tuổi, giờ lúc nhớ lúc quên. Có lẽ cũng vì bà trở nên vô cảm vô dụng mà lũ con cháu chúng nó ít qua lại với bà. May mà trước tết có thằng con bên Cộng Hòa Séc về, nên có người để mắt đến bà. Mùng một tết có nắng. Ánh nắng yếu ớt xiên qua đám mây mầu xám bạc, chúng xiên qua lùm cây hoa giấy đã bị cắt  hết các cành, những đốm nắng nhẩy nhót trước mặt bà , tiếc là bà Nhuận không nhìn thấy rõ được, trước mắt bà chỉ là những vệt loang loáng khó định hình. Bà Nhuận ngồi đấy, nước da trắng bệch, trên đầu chít khăn mỏ quạ, trên người mặc chiếc áo bông kiểu cổ, vải bên ngoài còn đen bóng. Chiếc quần xa tanh  vẫn mới, thỉnh thoảng ống quần lại kêu phần phật bởi gió thổi từ trong sân, thốc ra ngoài phố.


   Bà Nhuận đứng dậy , bước những bước không hồn, trên con phố vắng tanh, bà cứ nhấc từng bước một, trong đầu bà lúc thì tràn ngập những hình ảnh người dân phố thi nhau đốt những băng pháo mầu đỏ tươi, tiếng nổ ròn tan, thỉnh thoảng xen vào quả pháo đùng nổ chát chúa đến giật mình, bà nhìn thấy cảnh mấy thằng con trai của bà đang háo hức chạy theo chồng bà ra phố để đốt phảo. Rồi những lời chúc tụng của người hàng phố , bà cũng luôn miệng chào hỏi và đáp lễ. Rồi hiện thực lại hiện ra trước mặt bà; Con phố vắng tanh, không có bóng người, không gian tĩnh lặng lạ thường, chỉ hôm qua thôi ; Con phố còn nhộn nhạo người qua lại. Bà Nhuận cứ lơ mơ trong mớ cảm xúc, những hình ảnh cũ và mới trong đầu. Thằng Lân cũng mới ngủ dậy, nó không thấy mẹ ngồi trong nhà như mọi khi, nó đi vội ra ngõ, cũng không thấy mẹ nó. Nó nhìn qua cửa sổ nhà ngoài cất tiếng : Hùng ơi, mày có nhìn thấy mẹ anh đâu không? Hùng cũng mới ngủ dậy, đang dọn chiếc bàn uống nước, nghe Lân gọi liền ngẩng lên trả lời : Dạ, lúc nãy bà còn ngồi ở đầu ngõ mà anh. Lân thở dài nói : Thôi rồi, bà lại đi đâu rồi. Hùng mở cửa đi ra nói với Lân: Chắc bà chưa đi xa đâu, anh đi về hướng chợ , còn em đi lên đầu phố xem sao. Hùng đi vội về phía trước, gần đến ngã năm thì thấy bà Nhuận đang thẫn thờ bước từng bước vô định. Hùng bấm điện thoại cho Lân rồi nói : Em thấy bà rồi nhé. Hùng ra nắm cánh tay bà Nhuận nói : Mới sáng mùng một mà bà định đi đâu đấy bà ? Để con đưa bà về !. Bà Nhuận nở nụ cười vô cảm rồi nói : Tao đi tìm ông Nhuận, không hiểu ông ấy đi đâu rồi. Hùng nói với bà : Vâng ông về nhà rồi, thôi con đưa bà về. Hùng thấy bà cụ càng ngày càng lẫn, ông Nhuận ra đi hai năm rồi còn gì.

   Con phố cổ dài chừng hơn hai trăm mét, Cứ khoảng bẩy mươi mét nó lại bị cắt bởi một con phố khác. Con phố nơi vợ chồng bà Nhuận ở thật yên bình và đẹp, khổ nỗi thỉnh thoảng, bụi nhà máy đèn lại phủ đen mọi thứ. Một ngày có vài bận như vậy, quần áo sáng mầu thì bẩn hết vì đám bụi than. Cứ một quãng lại có một ngôi đền, hoặc chùa, rêu phong cổ kính rất đẹp. Cũng không ai biết rõ ông bà Nhuận quê quán ở đâu, nhưng từ những năm tám mươi của thế kỉ trước, bà đã bầy cái chảo ra đầu ngõ rán bánh chuối và bánh rán bán, còn ông thì có một chiếc tủ nhỏ vừa làm bàn vừa làm chỗ chứa đồ bán nước trà chén. Rôi cũng từ cái chỗ đầu ngõ ông bà đã nuôi bốn thằng con trai và một đứa con gái lớn khôn, khi chúng  có gia đình thì mỗi đứa một nơi, chỉ còn ông bà ở với nhau. Khi nhà nước mở cửa thông thương với Trung Quốc, nhà nào cũng có người đi lên đường biên đánh hàng tâm lí chiến về bán. Hà Nội bắt đầu thay đổi từng ngày.Ông Nhuận bán thêm rượu, ông có một lượng khách ruột tương đối đông , mỗi ngày uống của ông hai ba cữ rượu. Ông Nhuận lấy đắt chứ không rẻ , cái chén  uống trà gần như chén hoa hồng ông bán từ hai mươi đến bốn mấy nghìn một chén. Ông quảng cáo rượu của ông toàn là rượu thửa , rồi ông sắm một loạt các lọ thủy tinh cỡ một lít, lọ thì ông cho một củ nhìn như củ cải trắng, ông khoe sâm quý lắm đấy, lọ thì có cặp cà dê… Đám khách ruột như mê muội với rượu thuốc của ông. Lọ nào cũng một mầu nâu rất đẹp.

  Mấy người uống rượu của ông cũng đều là dân anh chị một thời, bây giờ có vợ con lo hàng ngày, nên các anh rỗi rãi ra uống rượu của ông đều. Hai vợ chồng ông Nhuận bán hàng rất kiêu kì, khó tính, khách nào không vào mắt ông bà, là ông bà đuổi thẳng cổ, kể cả là hàng xóm thân thiết. Ông còn kiêm luôn tổ trưởng dân phố nhiều năm nên ông càng oai. Thỉnh thoảng , vào giờ vắng khách nhất, có một anh thợ rượu trở đến cho ông gần chục can hai mươi lít đã pha chế mầu sẵn. Ông chỉ việc chế ra các lọ là bán được ngay. Nhưng ông luôn quảng cáo là rượu quý ngâm lâu năm. Những người khách trung thành với rượu của ông , đã giúp ông có thu nhập rất tốt, nhưng rồi những vị khách đó lần lượt bay lên trời, rồi quán của ông cũng không còn ai uống rượu nữa, khách quen đã về trời hết. Ông Nhuận bây giờ chỉ còn là một ông lão người gầy đét, toàn xương, hàng ngày vẫn dọn hàng nước ra bán. Những năm tháng rực rỡ nhất của vợ chồng ông cũng đã qua, con cái biết ông bà cũng không còn gì để bòn rút nữa, chúng ít đến thăm ông bà dần. Hàng ngày hai tấm thân già, tóc bạc phơ ngồi đếm thời gian cùng quán nước một thời đầy ắp khách. Cây hoa giấy cũng đã quá già cỗi. Chúng xơ xác bên quán nước đìu hiu lạnh lẽo của ông bà. Ông Nhuận không còn sức để ngồi bán hàng nữa. Ông yêu dần. Hằng đêm ông thao thức không thể nào say giấc. Ông thường thấy mấy đứa khách ruột của ông hiện về trong giấc ngủ. Nhiều lúc ông nghĩ đến những can cồn pha phẩm mầu và hương liệu đó đã giúp ông nuôi con cái khôn lớn, nhưng hình như nó cũng làm cho bao nhiêu gia đình mất ông, mất cha…Nhưng ông Nhuận quen rồi, ông bà vốn dĩ chưa bao giờ quan tâm đến ai ngoài mấy đứa con ruột của mình.

    Con phố cổ một thời tĩnh lặng, đẹp đến ngẩn ngơ, những cây Liễu, cây Đa phủ kín sân Chùa, những bức tường gạch cổ rêu phong cổ kính, tất cả đã biến mất, cả hai mặt phố hầu như không còn ai  là người gốc gác Phố cũ nữa, Nhà máy nhiệt điện từ thời Pháp đã bị dỡ bỏ, bây giờ mọc lên  hai cái tháp cao ngất ngưởng. Bây giờ đây ; Những khách sạn và nhà hàng mọc lên kín hết, chủ nhà toàn từ Lạng Sơn, Đồng Đăng hoặc các tỉnh khác. Những người xưa cũ đã bán nhà , họ đã ra vùng ven mua nhà mua đất, còn vợ chồng ông Nhuận lẻ loi lạc lõng trong cái ồn ào, náo niệt của phố thị . Ông Nhuần ra đi, con cái đưa ông ra nhà tang lễ thành phố. Cũng chẳng còn mấy người  biết mà về thăm ông lần cuối, cơn bão kim tiền đã tàn phá mọi thứ, nhà cửa , con người, mọi thứ đã ra tro bụi. Bà Nhuận tính tình không sâu sắc như ông, nên không suy nghĩ nhiều , từ lúc ông mất ; Bà thui thủi một mình, đám con cháu cũng chẳng mấy khi về thăm bà. Tết năm nay thằng con thứ hai làm ăn buôn bán bên Cộng Hòa Séc về, nó sang Séc xuất khẩu lao động từ cuối những năm tám mươi của thế kỉ trước. Hai vợ chồng nó về chơi với bà. Nhưng bà cũng chẳng thấy vui gì, hàng ngày bà vẫn lần ra đầu ngõ, ngồi lên cái bồn xi măng mà chồng bà làm để quây gốc cây hoa giấy già. Nhiều lúc bà mường tượng ra cảnh ; Xác bà nằm trong nhà xác Thành Phố đợi tới giờ phát tang. Bà Thấy mấy thằng con của bà nó đang tính toán chuyện bán nốt căn phòng nhỏ mà ông bà đã ở , và nuôi chúng khôn lớn. Bà thở dài  rồi trí não lại u u đi, bà biết ; Bà không còn minh mẫn nữa, có đêm bà mơ thấy chồng bà đang bị đám khách ruột một thời của chồng bà quây ông ấy lại, chẳng biết chúng nói gì, nhưng sắc mặt rồi cái cách vung tay vung chân thì có vẻ rất căng thẳng. Bà Nhuận cũng chẳng biết suy nghĩ gì hơn nữa, chiều nay bà ngồi trên bục xi măng, chiếc khăn mỏ quạ đen, chiếc áo bông đen, chiếc quần sa tanh đen thỉnh thoảng rung lên phần phật bởi  những cơn gió chạy từ trong ngõ ra, bà Nhuận lẩm bẩm , sáng nay chúng nó vẫn chưa cho mình ăn gì… ( Hết )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét