XẾ BÓNG ! Truyện ngắn của : Lao Quangthau. 13-3-2018.
( Phần 1)
Mấy hôm nay,
ông Bách mới lại mon men ra cái ghế đặt ngay chỗ góc cửa nhà, sát bậc lên xuống.
Kể từ hôm vợ ông chết, khi cái tết đã cận kề. Đến hôm nay, cũng đã ngoài rằm
thánh giêng. Ông trở lại với thói quen ngồi ngắm người qua lại, ông ngắm cô bé
bán đậu phụ thuê nửa cửa hàng của ông để vừa sản xuất vừa bán lẻ, ngay phía
chân ông ngồi là mấy thúng đựng bún và bánh phở của cô bé thuê nốt nửa cửa hàng
bên này, dưới bậc cửa, ngay sát đường còn một phản thịt lợn nho nhỏ nữa. Vẫn
như mọi khi; Ông nhìn, ngắm chán thì lại lẩm bẩm nói, có lúc nói ông ổng những
câu tục tĩu, kệ, xung quanh chẳng ai chấp ông, coi ông như không hiện hữu vậy. Ông
Bách bước vào tuổi sáu mươi, nhìn người xổ ra, nom hơi xập xệ, khuôn mặt ông
hùm hụp cùng những vết cắt thời gian nhằng nhịt trên khuôn mặt nhiều thịt của
ông, nhìn ông già trước tuổi, mọi người thường đoán ông đã ngoài bẩy mươi. Ông
Bách là thương bịnh chống quân bành trướng những năm bẩy chin, thời đó ông là
anh lính mới tò te, đầy nhiệt huyết, hừng hực bầu máu nóng, cái dư âm giải
phóng Miền Nam vẫn còn ngân nga trong mỗi trái tim. Anh lính trẻ nghĩ mình đi
lính trong thời bình thì cũng chẳng đáng ngại gì, cống hiến mấy năm tuổi trẻ
cho đất nước là nghĩa vụ của mỗi công dân , lại được đi đây đó, được thoát li
khỏi mảnh đất xứ Thanh cằn cỗi.
Đơn vị của
Bách đóng quân ngay ven Hà Nội , mọi thứ đầy lạ lẫm, hào nhoáng so với nơi quê
nghèo. Được ít ngày thì chiến tranh biên
giới nổ ra , quân bành trướng xua quân tràn qua toàn tuyến biên giới . Bách
cùng đơn vị được điều lên tuyến đầu, cùng bộ đội địa phương chiến đấu với giặc
tại mặt trận Lạng Sơn- Đồng Đăng. Ngay trận đầu , Bách thực sự sốc khi phía
quân địch từng biển người với vũ khí cũ kĩ thô sơ, theo tiếng kèn lệnh, vừa
tiến lên vừa kêu : Tả.. Tả.. Tiến lên phía chốt của Bách. Súng bắn đỏ nòng,
nòng gục hẳn xuống, anh em hi sinh quá nhiều. Rồi Bách cũng lịm đi, bên tai vẫn
còn vang lên những tiếng ong ong, ù đặc. Bách không biết gì nữa. Mãi đến khi
tỉnh lại, Bách mới biết mình đã được đưa về tuyến sau, cơ thể gần như bị băng
kín, rất nhiều vết thương trên người, một mảnh đạn xuyên qua chiếc mũ cối, cắm
vào phần não trước của Bách. Bách được phẫu thuật, gắp mảnh đạn ra, bác sĩ nói
; Kiểu gì cũng để lại di chứng vì mảnh đạn nằm ở khu vực nhậy cảm của thần
kinh. Bách tỉnh dậy, cảm thấy mơ hồ, giữa quá khứ và hiện tại, chúng đan xen
nhau, lúc thì thấy con mương ở quê đang chảy êm đềm, Bách cầm cái cần tre kéo từng cái vó te, những con
tôm diu nhẩy lách tách vui mắt. Lúc thì
thấy súng đạn mù trời, những bộ mặt của quân giặc đang hùng hổ xáp lại
gần , lúc Bách thấy mình đang cầm khẩu Ak cứ thế mà bắn xối xả, mắt nhắm tịt
lại vì không dám nhìn máu thịt tung toé trước mắt.
Sau khi xuất
viện. Bách được người nhà đưa về ở một căn buồng ngay dưới Bãi ven Sông gần cầu
Long Biên. Với chứng nhận thương tật hạng nặng, được tiêu chuẩn có người chăm
sóc. Được gia đình hỗ trợ, manh mối, Bách cưới một cô gái cùng quê về làm vợ,
vợ của Bách được ăn lương theo tiêu chuẩn người chăm sóc thương binh nặng. Lần
lượt hai thằng con trai ra đời. Bách thì vẫn vậy, lúc tỉnh lúc mơ, có lúc lên
cơn chửi tất chẳng chừa ai. Rồi khi tâm thần ổn lại thì lại là người đàn ông nhu mì hiền lành. Gia đình
trông vào lương của Bách và lương chăm sóc người bệnh của vợ cũng đủ sống qua
ngày.
Chiến tranh
đã lùi lại phía sau. Đất nước đổi mới, kinh tế phát triển nhanh, không còn ngăn
sông cấm chợ nữa, mọi người được mua bán, làm ăn công khai. Những dịch vụ tín
dụng, rồi lô đề cờ bạc xuất hiện, xã hội thay đổi nhanh đến chóng mặt, từ những
ngày đói khổ, miếng ăn còn phải săm xoi lẫn nhau, ấy vậy mà sau mấy năm, nhà
nhà phất lên, đất đai lên giá từng ngày, người ta chỉ cần bán một nửa , hoặc
bán một phần đất là đủ xây nhà đẹp, còn có tiền ăn tiêu rủng rỉnh. Hai thằng
con của ông Bách cũng đã trưởng thành, thằng lớn đã lấy vợ. Ngôi nhà của ông
Bách cũng được xây kiên cố , bây giờ căn nhà của ông đã nằm giữa khu chợ dân
sinh tự phát, cả cái bãi này đám thanh niên trạc tuổi con ông Bách tự nhiên lôi
kéo nhau trở thành những con nghiện , chỗ nào cũng có sự xuất hiện của bọn
chúng, vật vờ như những thấy ma, là nỗi lo
nơm nớp của mọi người, nhà cửa có thứ gì đáng giá chúng tìm cách mang đi bằng
được, rồi trộm cắp công khai. Cuộc sống sau đổi mới tưởng tốt đẹp, bỗng dưng
trở thành cơn ác mộng của những gia đình có con cái trưởng thành, hai thằng con
ông Bách sau khi đã làm cho gia đình ông bà cạn kiệt về kinh tế thì chúng cũng
rủ nhau ra đi. Đứa con dâu cũng bỏ về nhà mẹ đẻ. Bỗng chốc vợ chồng ông Bách trắng
tay. Chỉ còn hai thân già ngồi nhìn nhau cám cảnh, trong ngôi nhà ba tầng lạnh
lẽo . ( Còn nữa )
XẾ BỐNG ! Phần kết. 26-3-2018. Truyện ngắn của Lao
Quangthau
Vợ chồng ông
Bách bị sốc bởi cái chết của hai thằng con trai, ông bà chẳng muốn làm ăn gì nữa.
Bạn bè , người thân an ủi ông bà, rồi
cũng có cách để thoát khỏi sự trống trải cô đơn đó. Ông Bách được tư vấn đi lưu
giữ Tinh trùng để đợi tìm được đối tượng thích hợp, cho đẻ thuê. Qua mai mối,
có một cô gái bán hàng dong đồng ý với giá năm mươi triệu , đẻ xong giao con
luôn, không còn liên hệ gì nữa. Đứa bé gái ra đời giữa sự mong đợi của hai ông
bà, tuy là con của chồng nhưng bà Bách cũng hết lòng thương yêu, chăm bẵm nó,
con bé tuy được chăm sóc đầy đủ , nhưng nó vẫn gầy guộc, èo ọt như cái giải khoai.
Từ khi có đứa con gái, ông Bách cũng chẳng còn mong muốn gì nữa, đành chấp nhận
là cái số rồi, chấp nhận không có người chống gậy, nhiều lúc ông tự vấn : Con
bé này ra đời chẳng biết là đúng hay sai. Cả hai ông bà lầm lì ít nói hẳn đi. Khi
con bé vào lớp một thì bà Bách phát hiện mình bị bệnh tiểu đường.
Ngoài việc
chăm nom cho con bé, bà bán thêm dưa cà muối với thúng bún. Ông Bách , hôm nào
khỏe thì lần xuống ngồi trên cái ghế gỗ, cạnh vợ. Ông nói một mình, đủ thứ
chuyện, có lúc như cãi nhau với ai đó, có lúc lại chửi rất tục tĩu. Ông hay
nhắc lại những ngày còn trong đơn vị, nhắc lại cái ngày khói đạn mù trời. Ông
kể một mình: Thằng Dân nó vỡ toác lồng ngực, máu chẩy xối xả, thằng Hòa chân
trái của nó đứt đến gần bẹn mà vẫn cố cầm khẩu AK nhả đạn, biết bạn mình chết
trong gang tấc, mà đành ứa nước mắt, tay vẫn không rời cò súng. Ông Bách cứ lẩm
bẩm : Sao chúng đông thế, không tài nào bắn hết được, cứ đến đó là ông lại u u
mê mê không nhớ gì nữa, có lúc nước mắt rơi lã chã, ông nhớ đồng đội của ông,
nhớ mấy thằng con vắn số. Những lúc này bà Bách cũng quay mặt đi không dám nhìn
vào cái mặt to đầy thịt , đầy những vết cắt đang ngồi lặng im, mặc cho nước mắt
loang trên khuôn mặt.
Con Hoa đã vào
lớp ba. Bà Bách vẫn bán dưa cà trước cửa, nhưng sức khỏe của bà dạo này rất yếu,
bà bị tiểu đường, cũng không kiêng được, vừa rồi lại bị ngã trầy xước hết cả
chân, những vết xước đó không lành được, càng ngày nó càng vỡ to ra, cho đến
lúc bà yếu quá. Ông Bách nhờ người cho bà đi bệnh viện. Bác sĩ nói ; Bà đã bị
quá nặng, máu cũng đã bị nhiễm trùng, bệnh tiểu đường vào giai đoạn cuối. Điều
trị được mấy hôm thì bà ra đi. Đám ma của bà được làm tại nhà tang lễ thành
phố, cũng chẳng có mấy người phúng viếng, ngoài bà con lối xóm quanh nhà bà,
mấy người thuê cửa hàng, mấy đứa cháu ở Thanh Hóa ra, thêm mấy người bạn đồng
ngũ của ông Bách. Con bé con đã tám tuổi nhưng nó cũng chưa biết gì, nó cứ lầm
lũi quanh nơi quàn bà chứ cũng chưa hiểu gì về cái chết của người thân.
Cúng ba ngày của vợ ông Bách cũng chỉ có hai
ba đứa cháu của ông bà đi ra đi vào. Ông Bách có mấy chục năm được người vợ
chăm sóc, nâng giấc, bỗng chốc chỉ còn lại một mình, cùng đứa con nhỏ dại chưa
biết gì, đến việc đưa con bé đi học cũng phải nhờ mấy người thuê cửa hàng, đến
bữa ăn cũng vậy. Con Hoa đi học về chỉ quẩn quanh trên gác, nó cứ đi quanh
phòng , hay chơi cái gì đó, nó toàn nói chuyện một mình. Ông Bách nhìn con bé
mà thấy xót xa cho nó, nhiều lúc tỉnh táo, ông nghĩ ; Gía mình không đẻ nữa có
lẽ tốt hơn, bây giờ nhìn nó thui thủi , bạn bè không có, người thân thì không,
ông biết nó sợ ông lắm, nhất là những lúc trở giời ông lên cơn, thì nó trốn bặt
vào góc nhà. Ông Bách nhờ người tìm cho ông một người giúp việc, để lo cho hai
bố con ông. Với những công việc trong nhà như vậy, ngoài vợ ông thì ai dám gánh vác, với mấy triệu bạc tiền công. Mấy
hôm nay, thời tiết mát mẻ, ông có vẻ tỉnh táo, cứ tầm gần trưa ông lại lò dò đi
xuống nhà dưới, lần lại cái ghế quen thuộc. Ông ngồi đó, ngắm người qua lại,
nói mấy câu bâng quơ, thỉnh thoảng thẫn thờ nhìn vào cái ghế trước mặt, nơi bà
vợ ông vẫn ngồi chịu trận nghe ông lảm nhảm hết ngày này qua ngày khác. Cái ghế
vẫn còn đó, nhưng đã có chủ khác ngồi, cô bé thuê chỗ bà vẫn ngồi bán hàng để
bán bánh phở và bún, phía trước mặt bầy thêm phản thịt lợn nho nhỏ. Còn góc bên
kia ; Vợ chồng cô bé bán đậu phụ vẫn đang chăm chú vào công việc. Ông Bách thở
dài, mắt ngấn nước, ông lo sợ những ngày sắp tới … ( Hết ),
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét