Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

BÀ NHÂN ! Chuyện ngắn của : Lao quangthau 28-3-2023.

 BÀ NHÂN ! Chuyện ngắn của : Lao quangthau 28-3-2023.




  Bà Nhân ngồi trên chiếc giường một làm bằng sắt, hai chân buông thõng xuống nền gạch. Đôi dép tổ ong đã cũ ngả mầu vàng loang lổ, chân bà mang tất mầu xanh bộ đội, mái tóc bạc trắng rối bung thưa thớt dài đến ngang lưng được buộc bằng sợi dây chun đoạn lưng chừng vai. Bà ngồi lặng lẽ đôi mắt toét nhèm mầu đục nhìn qua cửa sổ, ở ngoài kia là một khoảng sân vắng , có thêm mấy cái ghế đá, chỉ có mấy người già đang đi bộ chậm rãi. Bà cứ nhìn vào khoảng không vô định đó với những hình ảnh mờ mờ ảo ảo đang đi qua trước mắt bà. Rồi bất chợt một dòng nước mắt đặc quánh ứa ra, từ từ lăn xuống má. Bà mặc kệ, vẫn ngồi bất động như vậy. Cái áo khoác bằng vải thô rộng thùng thình mầu nâu nhạt đã cũ. Vậy mà cũng không che được sự thổn thức , phập phồng từ bộ ngực lép đến xương của bà . Bà cứ ngồi như vậy. Đây cũng là những giây phút mà bà tỉnh táo nhất. Bà nhớ người chồng  khuất núi đã được mấy năm, bà ước; Giá ông ấy còn sống, ông ấy sẽ không để bà phải rơi vào hoàn cảnh này.

Bà nhớ đến mấy đứa con, bà nhớ chúng quay quắt, nhớ cả đàn cháu ngày thường vẫn dửng dưng với bà. Rồi bà quay ra hận chúng, miệng bà lẩm bẩm : Tiên sư lũ bất nhân…


    Vợ chồng bà Nhân được nhà nước phân cho một căn phòng khoảng mười lăm mét vuông ở trong ngõ trên con phố cổ ngay sát nhà máy điện Yên Phụ , căn phòng kề với hông ngôi nhà cổ của người Pháp xây, ở trong ngôi nhà đó có hai hộ gia đình đang sống. Hai vợ chồng bà Nhân rất kín tiếng, hầu như không ai biết ông bà từ đâu tới, trước làm công việc gì . Người hàng phố cũng không để ý mấy đến gốc gác của ông bà. Mọi người chỉ nghĩ hai vợ chồng nhà ấy chắc cũng làm công tác nhà nước ở một tỉnh miền núi nào đó, rồi được về cái con phố cổ này sinh sống.


   Năm đứa con lần lượt ra đời, đứa út là con gái. Thời buổi bao cấp, ông bà không có sổ gạo, nên để lo cho bẩy miệng ăn trong gia đình là cả một vẫn đề. Chồng bà quyết định ra đầu ngõ bầy cái bàn để bán trà chén, chiếc bàn nhỏ với cái ấm tích được ủ trong cái giỏ rất dầy , vài cái chén bằng sứ, với hộp kẹo lạc, hộp kẹo bột, hộp kẹo dồi, với một hai bao thuốc lá Sông Cầu, Đồ Sơn, Tam Đảo. Ông được tiểu khu cho làm tổ trưởng dân phố, bởi tính tình ông rất sởi lởi và nhiệt tình với người của chính quyền. Ngược lại với người hàng phố , người vãng lai đến uống nước tại quán của ông, ông hờ hững chẳng ra muốn tiếp hay muốn đuổi đi, có lúc không hài lòng một vị khách nào đó, ông chỉ mặt đuổi thẳng luôn. Thái độ của cả hai ông bà như vậy nhưng quán vẫn có khách, bởi con phố cổ dài lại vắng tanh, toàn nhà cổ xen lẫn với Chùa, với Đền, có mỗi quán nước của ông. Không gian con phố lúc nào cũng vắng lặng, mang dáng buồn hoài cổ. Chỉ duy nhất cái máy nước công cộng ở ngay ngã tư là lúc nào cũng có cả dẫy xô, chậu xếp hàng với đủ các lứa tuổi đang chầu chực đợi đến lượt hứng nước, khổ nỗi cái máy nước lúc nào chảy ra cũng cứ tưng tửng như con bò đực vừa đi vừa đái, con phố chỉ náo niệt khi có mấy người tranh chấp chỗ xếp hàng, lúc đó tiếng xô, chậu kêu xủng xoảng, tiếng người cãi nhau ầm ĩ, những ngôi nhà gần đấy nhất loạt mở cửa rồi mấy cái đầu thò ra, cũng chẳng có ai buồn bước qua bậu cửa mà ra tận nơi xem. Cãi nhau một chập thì con phố lại trở lại yên tĩnh, mấy ngôi nhà lại đóng cửa lại như chưa có chuyện gì xẩy ra.


  Mùa đông về, bà Nhân mang cái chảo với cái bếp dầu ra kê sát cái bàn nước của ông, bà rán bánh rán ngọt nhân đỗ xanh và nhân mặn, nhân mặn ở trong có ít miến, ít thịt băm và ít mộc nhĩ,, ngày nào bà cũng bán hết hàng. Năm đứa con lớn lên từng ngày, chúng học gì, trường nào ?  Rồi đứa lớn lấy vợ con nhà ai thì cả phố chẳng một ai biết được, ông bà vẫn giữ đúng luật ; Kín như bưng như từ thời ông bà mới dọn về con phố này ở. Khi đất nước mở cửa, hàng hóa thông thương với Trung Quốc, con phố cũng nhộn nhịp hẳn lên, người ta bắt đầu nghe đến hàng tâm lí chiến, mọi người rủ nhau đi lên biên giới mua hàng về bán. Quán nước của vợ chồng bà Nhân đông khách hơn, cũng bởi vì ông có tham gia công tác chính quyền, nên hầu như cả con phố , có mỗi vợ chồng ông được bán nước công khai. Ông bắt đầu bán thêm rượu thuốc. Ông khoe mấy bình rượu cỡ một lít, hơn một lít, ông đang bầy trên bàn, cái này là nguyên củ sâm Triều Tiên, cái kia là ngâm con hươu bao tử, cái này ngâm thuốc đại bổ thận, tráng dương ! Từ lúc ông bầy rượu và quảng cáo công dụng của chúng thì khách uống rượu cũng đông lên, cánh thanh niên, trung niên ghé vào tợp một hai chén rồi đứng dậy cũng nhiều, mỗi chén ông lấy mấy chục nghìn. Ông phân bua với mấy người khách ; Rượu của ông toàn rượu quý, ngâm lâu năm nên giá nó cũng phải khác. Ông bà bầy thêm mấy quả dưa chuột với mấy quả táo, lê từ Trung Quốc về, có khách uống rượu, ông lại gạ nhấm với mấy thứ hoa quả này chấm muối ớt uống vào lắm!


    Với tài xoay xở từ cái bàn bán nước , ông bà nuôi mấy đứa con khôn lớn, đứa lấy vợ có cửa hàng lớn trong chợ Đồng Xuân, đứa đi Tây, đứa con gái út từ khi lớn lên ít ai thấy nó, sau này thấy đồn với nhau là nó đã lấy chồng tận trong Sài Gòn. Con cái đứa nào cũng yên ổn bề gia thất. Hai vợ chồng bà Nhân thấy an nhàn hơn nhiều, nhưng ông bà vẫn quyết bám lấy cái bàn đầu ngõ, chính cái bàn này đã nuôi mấy đứa con của ông bà trưởng thành, cũng từ chính cái bàn này ông mới là tai mắt đắc lực của chính quyền, nên ông luôn được ưu tiên giữ chức tổ trưởng từ thời gọi là Tiểu Khu cho đến lúc đổi tên sang tên mới là phường. Cũng từ cái bàn nước này ông đã tiễn nhiều bợm rượu chuyên vào uống sếch có nam có nữ, về với tổ tiên nhanh hơn. Chỉ có vợ chồng và con cái ông biết là ông nhập rượu từ đâu, chỉ có hàng xóm vào buổi tối vô tình thấy mấy tay tỉnh lẻ xách mấy can rượu hai mươi lít đã được pha mầu sẵn chạy rất nhanh vào trong ngõ nhà ông bà.


  Con phố cổ hiu quạnh ngày nào bây giờ đã thay da đổi thịt, cái máy nước công cộng bị nhổ đi từ bao giờ cũng chẳng ai nhớ nữa. Mấy cái Chùa, mấy cái Đền cũng biến mất, cả con phố lúc nào cũng còi xe inh ỏi, chỗ nào cũng là nhà hàng với khách sạn mọc lên to chình ình, người Tây đủ sắc tộc cứ một lát lại thấy ào xuống từ những chiếc xe buýt mới coong với nét mặt háo hức. Người cũ bỗng đi đâu hết, thỉnh thoảng mới thấy một hai khuôn mặt bơ phờ buồn bã , nhầu nhĩ từ trong ngõ đi ra, chỉ còn mấy con người đó là người cũ còn ở lại. Cái quán nước của vợ chồng bà Nhân cũng thành đồ cũ chẳng ai muốn ngồi nữa, cũng bởi người ta không có thiện cảm với cái thái độ bất cần của ông bà chủ quán, bây giờ có việc gì cần nói chuyện, người ta lôi nhau vào quán cà phê hoặc quán bia chứ mấy ai bỏ tiền ra để hứng lấy cái bực mình khó chịu của người già đã lẩm cẩm. Ông Nhân đã ngoài tám mươi tuổi, con cháu mỗi đứa một phương, bạn bè hàng phố cũng chẳng biết con cái cháu chắt của ông bà sống thế nào ? . Chỉ thấy người ta nói vợ chồng thằng con lớn vỡ nợ từ lâu. Ông Nhân ra đi lặng lẽ, hàng phố cũng chẳng có mấy ai biết , con cái chúng cũng tranh thủ về lúc truy điệu ông ở nhà tang lễ, rồi chúng cũng lặng lẽ biến mất.


   Từ ngày chồng bà Nhân mất, bà Nhân như người sống nhờ chính trong ngôi nhà của mình. Thằng con ở bên Tây, để vợ con bên đó để về trông coi mẹ. Bà Nhân lúc nhớ lúc quên, nhiều lúc bà mở cửa ngõ thơ thẩn đi vẹo vọ ngoài đường. Báo hại thằng con phải nhờ mọi người đi tìm bà. Vài lần như vậy, thằng con bàn với anh em cho mẹ vào nhà dưỡng lão, vậy là bà Nhân được đưa vào trại dưỡng lão. Hàng xóm có hỏi thằng con bà , muốn vào thăm bà mà nó bơ đi. Cứ lâu lâu anh em nó tổ chức một chuyến xe vào thăm bà. lúc này hàng xóm như được nhắc lại là chúng nó rất có hiếu đấy chứ, chúng vẫn cùng nhau đi thăm bà đấy chứ !.


    Bà Nhân đã ăn cơm chiều, bà dạo này mệt lắm, ngồi nhai miếng cơm mà trệu trạo, mãi mới ăn hết được lưng bát. Bà Nhân thấy lòng hụt hẫng trống trải, bà thấy bà đúng là người thừa ở cái cuộc đời này, chẳng có ai quan tâm đến bà, con cái cháu chắt thì mất mặt, bà tiếc cái quãng đời xuân son của bà đã hi sinh hết cho chúng. Bà nằm đấy, tiếng cô phát thanh viên đang đọc dự báo thời tiết phát ra từ chiếc ti vi màn hình phẳng treo trên tường, bà nghe lõm bõm thấy nói ; Mai Hà Hội có đợt gió mùa đông bắc mói, có cả mưa nhỏ. Bà nhớ Hà Nội đến da diết, bất chợt bà đưa tay kéo cái chăn len lên ngang ngực. Bà nằm  bất động, mắt nhìn lên trần nhà, bên khóe mắt bà chút nước đùng đục, đặc quánh đang chực chảy xuống. ( HẾT )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét