Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

RA ĐI RỒI Ư ? Truyện ngắn của : Lao quangthau 24-2-2023

 RA ĐI RỒI Ư ? Truyện ngắn của : Lao quangthau 24-2-2023




   Long đến nhà Tú có chút việc. Bạn đun nước rồi súc ấm, pha ấm trà mới. Chiếc bàn tròn cổ có bộ ấm chén hạt mít, với một chậu hoa nhỏ, những bông hoa bằng nhựa mầu tím nhạt rất đẹp và nhã. Long đưa mắt quan sát quanh căn phòng của Tú, chiếc tủ chùa kia chắc hắn mới mua về. Xung quanh toàn đồng hồ treo tường, với các loại quạt cây của nước ngoài, trung bình tuổi của chúng có từ bốn mươi năm trở về trước. Tú rót trà ra hai chén, miệng nói : Uống nước đi. Long cầm chén trà khói trắng đang lả lơi bay lên . Long làm một tợp nhỏ rồi nói : Trà ngon đấy. Tú khoe : Tôi vừa mua thử hai lạng, giá cũng hơi đắt, nhưng có vẻ ngon ông ạ. Long làm một tợp nữa rồi xác nhận lại : Ngon mà. Tôi đến nhà ông mới được uống trà đấy, chứ ở nhà tôi cũng có nhiều trà lắm, được biếu cứ cân một, nhưng có một mình nên toàn để mốc thôi, có pha bao giờ đâu.


  Uống đến lần tiếp nước trà thứ ba thì Tú nói : Ông ạ, ông thông gia nhà tôi chết rồi đấy. Vẻ mặt đăm chiêu, thoáng chút buồn hiện lên trên khuôn mặt bạn. Long giật mình thấy trong lòng xao động . Long hỏi bạn : Sao mà ông ấy chết ? Mà sao ông không báo cho tôi? Tú vừa rót trà vào hai chén vừa kể : Đi cũng được mấy tháng rồi. Ông ấy không nghe lời tôi nên mới chết. Thấy Long chú ý nghe. Tú nói tiếp : Mấy năm trước ông ấy với anh em mình còn đi khắp các tỉnh , thế rồi ông ấy tự nhiên yếu đi. Gia đình giục đi khám, nấn ná mãi ông ấy mới chịu đi. Rút cục là bị suy tim ông ạ. Đợt đó tưởng đi rồi đấy. Bác sĩ đã trả về chịu không chữa được, thế rồi vợ con ông ấy cứ nghe ở đâu có thầy hay là đi đến lấy thuốc, một thời gian sau thì ông ấy khỏe lại. Ông ấy lại sinh hoạt bình thường, ấy vậy mà vừa rồi tự nhiên ông ấy đi mổ, tự ý đi một mình, tôi khuyên thế nào cũng không nghe. Rồi Tú chặc lưỡi nói : Chắc cũng đến số nên vậy. Long nghe kể mà thấy tiếc cho ông thông gia của bạn.



    Hoàng lấy vợ, gia đình cắt cho mảnh đất để hai vợ chồng cất tạm cái nhà cấp bốn. Gia đình vợ của Hoàng có nghề bán thịt chó sống. Sau khi lấy nhau hai vợ chồng cũng theo nghề của bên nhà vợ. Hoàng khỏe mạnh, to lớn nên mỗi ngày mổ năm, bẩy con rồi vừa bán lẻ vừa giao buôn, công việc cũng nhẹ nhàng không vất vả lắm. Hai vợ chồng dần dần cũng có của ăn của để. Hoàng đập nhà cũ xây lên bốn tầng, nội thất sắm đầy đủ. Hai đứa con một trai một gái, cũng lớn nhanh theo sự phát triển kinh tế của gia đình. Thằng con trai lớn của Hoàng lấy vợ, gia đình thông gia cũng cùng trong khu nên hai gia đình biết nhau cả. Từ lúc hai đứa trẻ lấy nhau, hai ông thông gia càng ngày càng thân thiết với nhau, thường xuyên đi đây đó, chuyện làm ăn nhiều lúc hai người cùng rủ nhau làm .



   Có lần trong lúc trà chén với nhau Long nói với Tú : Ông ạ, tôi thấy thông gia của ông làm nghề mổ chó đó, tôi cứ thấy ghê ghê thế nào ấy, tôi cũng đã chứng kiến nhiều chuyện tâm linh về quả báo rồi, nên ông lựa lời mà khuyên ông ấy. Tú nghe Long nói vậy thì cũng gật gù nói : Đúng vậy, tôi cũng nhiều lần nhắc khéo ông ấy, thì ông ấy bảo dạo này cũng mổ ít rồi. Nghe ông ấy nói thì mình cũng biết vậy, chứ nghề của gia đình người ta cũng khó lắm.


  Đứa con trai lớn của Hoàng lấy vợ , Hoàng vẫn túc tắc mổ thịt chó, được vài năm nữa, hai vợ chồng con trai của Hoàng kinh tế đã vững nên nó dứt khoát yêu cầu bố mẹ bỏ nghề thịt chó đi. Nó nói : Gia đình mình cũng đủ ăn rồi, vợ chồng con cũng kiếm được tiền, bố mẹ nghỉ ngơi đi, hàng tháng các chi phí để cho vợ chồng con lo, bố mẹ có đi đâu chơi cứ bảo chúng con đưa tiền. Bọn trẻ cũng rất sợ cái nghiệp của bố mẹ chúng đang tạo ra, nên chúng nhất quyết yêu cầu bố mẹ ngừng buôn bán. Hoàng thấy con trai mình phân tích có lí nên ông cũng chấp nhận nghỉ buôn bán. Từ ngày không phải thức khuy dậy sớm nữa, Hoàng hay qua rủ ông bạn thông gia đi đó đây. Nhiều lúc đi lên Sơn La, Lai Châu chơi mấy ngày mới về. Hoàng thấy cuộc sống bây giờ mới đáng sống, bao nhiêu năm vất vả sớm tối , hàng ngày trực tiếp giết mổ chó , rồi mang đi bán , cả ngày lúc nào trên người cũng ám ảnh mùi hôi của thịt chó. Bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại những ngày vất vả đó Hoàng lại rùng mình.


    Dạo này Hoàng hay bị mệt , nhiều lúc phải ngồi thở một lúc mới lại trở lại bình thường được, nét mặt mệt mỏi không hoạt bát như trước nữa. Ban đêm ngủ cũng không được ngon giấc, lại hay bị bóng đè. Thời gian gần đây Hoàng hay nằm mơ thấy cảnh mình đang mổ chó để đem bán, nhiều lúc trong giấc mơ Hoàng cũng thấy kinh sợ khi nhìn thấy con chó mình vừa mổ đang nằm tênh hênh dưới đất , bụng phanh ra, lòng phều đã bị moi ra hết. hai hàm răng trắng ởn của nó nhe ra nhìn rất ám ảnh. Lâu không thấy thông gia sang chơi, Tú mò sang thăm bạn, nhìn nét mặt ông thông gia xanh xao mệt mỏi, lại không thấy ông ấy bỏ bia rượu ra mời như mọi khi, Tú liền hỏi : Ông có bị sao không ? Sao tôi thấy ông có vẻ yếu lắm, mặt xanh lắm. Hoàng rót trà cho thông gia rồi trả lời với giọng mệt mỏi : Chẳng giấu gì ông, độ này tôi thấy không ổn, hay bị mệt lắm, làm cái việc gì là ngồi thở dốc ngay, mệt thở không ra hơi. Tú nghe bạn nói vậy thì nói ngay : Thế là không ổn rồi, ông đi khám chưa ?  Lúc này Vợ Hoàng mới nói chen vào : Bướng lắm ông ạ, Tôi nói rồi con nó nói là đi khám đi xem sao mà cứ nói là không sao. Con gái Tú bê mâm cơm lên , nó liền nói với Tú : Bố ở lại ăn cơm với nhà con luôn ạ. Tú không từ chối mà gật đầu luôn, hai nhà vẫn vậy tiện bữa là ngồi xuống ăn ngay chứ không khách sáo gì.


 Cả nhà ngồi vào mâm cơm. Hoàng hỏi bạn : Ông làm tí rượu nhé. Tôi mấy bữa nay không uống được rồi, uống nó không vào. Tú lắc đầu nói : Tôi không uống, mọi khi tôi uống cho ông có bạn thôi, chứ tôi có thích uống đâu. Nói rồi Tú đưa mắt khắp lượt rồi nói : Mời cả nhà ăn cơm. Hoàng bưng bát cơm lên rồi lại đặt xuống. Tú thấy vậy hỏi bạn giọng bỗ bã: Sao vậy, ăn sáng vẫn no à ? Hoàng lắc đầu rồi xỉu dần ngay tại chỗ, da mặt xanh nhợt đi. Cả nhà hoảng hốt gọi Taxi đưa Hoàng đi cấp cứu. Vợ Hoàng nói với Tú : Ông, ông làm ơn đi cùng nhà tôi với các cháu chứ tôi không biết phải làm gì. Tú leo lên ngồi đỡ Hoàng, Hoàng chỉ còn hơi thở rất nhẹ, đứt quãng. Vào phòng cấp cứu , bác sĩ thấy bệnh nhân không ổn, liền cho điện tâm đồ, rồi làm các thao tác chuyên môn, một lúc sau  gọi người nhà vào . Bác sĩ nhìn Tú, nhìn con trai Hoàng rồi ông ta nói : Sao để bệnh nhân nặng thế này mới cho vào viện ? Cũng may là cấp cứu kịp đấy, chậm một chút là đi rồi. Con gái Tú liền hỏi : Thưa bác sĩ , bố cháu bị bệnh gì ạ ? Ông bác sĩ nhìn bệnh án rồi nói : Ông ấy bị suy tim nặng lắm. Với hiện trạng sức khỏe như thế này thì không thể mổ được.


  Tú nghe bác sĩ nói vậy liền hỏi : Vậy bây giờ bác sĩ quyết định thế nào ạ? Ông bác sĩ nói chậm dãi : Bệnh nhân đang nặng lắm, hiện giờ phải theo dõi và điều trị tích cực, để một hai hôm xem tiên lượng thế nào , nếu ổn định thì mang ông ấy về nhà chăm thôi, chứ để nằm ở đây tốn tiền mà cũng không giải quyết được vẫn đề gì đâu.  Vậy là ông Hoàng nằm viện, mỗi ngày mất mấy triệu tiền thuốc, tiền phòng. Được hai ba hôm thì Hoàng cũng tỉnh táo hơn nhưng vẫn rất yếu, ngồi dậy hay đi lại phải có người dìu. Gia đình quyết định cứ để Hoàng nằm viện điều trị cho thật ổn định sức khỏe rồi mới cho ông về. Sau nửa tháng thì Hoàng cũng có khỏe hơn một chút. Bác sĩ cho khám tổng quát lại. Ông ta vẫn lắc đầu nói với gia đình Hoàng : Thể trạng cơ thể như thế này thì không làm gì được, tốt nhất gia đình cho ông ấy về nhà chăm. Hoàng ra viện, vợ con Hoàng thấy nơi nào nói có thuốc hay là đi  lấy về bằng được. Hoàng khá lên từng ngày. Đến bữa cơm đã lôi rượu ra uống. Cả nhà ai cũng mừng , không ai nhắc đến chuyện bệnh tật của Hoàng nữa. 


   Tú vừa ở ngoài về thì có tiếng xe máy quen thuộc đi vào sân. Tú nói vọng ra : Ông thông gia đấy à ? Rồi tiện tay cầm ấm pha trà  súc ấm, lấy nước vào ấm siêu tốc rồi bật điện lên. Hoàng vẫn cái giọng ồm ồm nói : Thôi trà cháo gì, anh em mình ra ngoài làm vài cốc bia hơi đi, lâu lắm rồi tôi với ông không uống với nhau. Tú hỏi đùa ông thông gia : Sao thế? Mới vào cầu cái gì à ?. Hoàng cười cười, tay gãi đầu mắt hấp háy nhìn bạn nói : Đâu có, tự nhiên thèm bia thì qua ông rủ ông đi cùng thôi, lâu lắm rồi còn gì. Tú nghĩ trong bụng : Ông này hôm nay lạ ghê, từ hồi bệnh tật có ra ngoài uống bao giờ đâu, có thèm thì  mở tủ lạnh, con cái nó để cả đống bia trong tủ. Tú nghĩ vậy nhưng vẫn gật đầu nói : Ừ thì đi, lâu rồi anh em mình chưa ngồi với nhau. Hai anh em vào quán bia hơi ngay ngã tư gần nhà. Thằng cu phục vụ mang ra hai cốc bia bọt đang sủi lên rất mạnh, nó đặt xuống mặt bàn rồi nói : Hai bố may đấy bom mới vừa cắt tiết đấy ạ. nói rồi nó nhìn Hoàng hỏi : Bố có ăn gì không ạ? Hoàng ầm ừ rồi nói : Cho tao đĩa lạc luộc với đĩa đậu phụ rán tẩm hành. Thằng cu ghi vào phiếu rồi đi vào bếp. Hai ông bạn cụng li. Hoàng nói với bạn : Lâu lắm mới uống , tỉnh cả người ông ạ. Tú góp lời : Ừ bia mới uống ngon hẳn. 


   Sang cốc thứ hai, Hoàng nhìn Tú rồi nói : Ông này. Tú nghe bạn nói vậy thì có linh cảm bạn mình muốn nói chuyện gì quan trọng. Tú nhìn Hoàng sắn sàng nghe. Hoàng nói tiếp : Hôm trước tôi đi khám định kì, tay bác sĩ nói với tôi sức khỏe của tôi đã ổn định, tiến triển tốt, nên mổ vào lúc này là thích hợp nhất. Tú nghe bạn nói vậy vội phản đối ngay: Theo tôi thì ông từ từ đã đừng có mổ vội, mổ không đơn giản như vậy đâu.Tốt nhất là ông đừng mổ. Tôi nói thật lòng đấy. Hoàng nghe bạn nói vậy thì gật gù không nói gì nữa. Hoàng quay sang nói những chuyện khác. Uống hết hai cốc thì cả hai đi về. Trong lòng Tú cứ lấn cấn việc Hoàng vừa nói. Lúc chia tay Tú nói với theo: Đừng mổ vội đấy nhé. Hoàng trả lời bạn : Tôi biết rồi. Trong bữa cơm chiều Tú kể chuyện với vợ về việc ông thông gia nói muốn đi mổ tim. Vợ Tú nghe Tú phân tích thì nói với chồng : Anh điện cho con mình xem thế nào. Tú ghe lời vợ quay số gọi điện cho con gái . Tú nói với con : Con này, chiều nay bố chồng mày bảo là quyết định đi mổ đấy, mày nói với mẹ chồng và chồng mày xem, ý của bố là khuyên ông ấy không nên mổ. 


     Tú đang lau cái tủ thờ cổ vừa mang về tính đánh xi lại rồi mới rao bán. Điện thoại trên bàn đang rung lên rồi tiếng nhạc phát ra. Tú bước lại cầm điện thoại lên, nhìn vào màn hình, con gái Tú gọi. Tú nói : Bố đây, có chuyện gì thế ? Giọng con gái Tú thảng thốt đầy lo lắng, nó nói : Bố ơi bố chồng con đang nằm trong viện, mê man rồi bố ạ. Tú thấy gai sống lưng, một luồng khí lạnh bỗng chốc chạy sộc lên đỉnh đầu, Tú cảm thấy chuyện không hay đã đến. Tú hỏi con gái : Đầu đuôi thế nào mà bố chồng mày bị vậy? Con gái Tú nói : Bố con tự ý đi mổ, chẳng nói với ai. Đến lúc bệnh viện điện về bọn con mới biết. Tú nói với con gái. Đợi đấy rồi bố đi cùng vào viện xem thế nào. Hai bố con vào viện, khi tìm được phòng cấp cứu thì đã thấy bà thông gia với con rể mặt thất thần đang ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang. Nhìn thấy Tú đến bà thông gia đứng dậy, mắt đỏ hoe bà nói : Khổ quá ông ơi, ông ấy chẳng nghe lời ai cả, cứ một mực nghe bác sĩ họ tư vấn. bây giờ ra cơ sự thế này. Tú cầm tay bà thông gia rồi nói : Bà cứ bình tình đã. nói rồi Tú quay qua con rể hỏi: Tình hình thế nào rồi con ? Thằng con rể lúc này mắt cũng đỏ hoe nó nói : Họ đưa bố con vào phòng hậu phẫu rồi, bố con một mình một phòng, nói rồi nó ra hiệu cho Tú đi theo nó. Đi đến cuối dẫy, nó chỉ vào một phòng đóng kín, nó nghển cổ nhìn qua ô cửa kính rồi nói với Tú : Đấy bố con nằm trong đó, họ khóa cửa không cho ai vào cả. Tú khom lưng nhìn qua ô cửa kính mờ mờ thấy ở cuối phòng, sát tường , Tú thấy ông thông gia nằm bất động, tay chân được cố định ở bốn góc giường.


  Tú nhìn vào trong bỗng chốc rùng mình một cái, Tú liên tưởng đến hình ảnh của con chó mà mỗi lần Tú sang chơi vào lúc Hoàng đang giết mổ chúng. Cũng cái kiểu nằm banh ra như thế, chỉ khác nhau là Hoàng đang nằm trên giường, Hai tay và hai chân được buộc cố định vào bốn góc giường. Tú nhìn chăm chú chỉ thấy một cơ thể bất động không quần áo , một thứ tình cảm rất hỗn độn trào lên trong con tim của Tú , tiếp đến là một linh cảm rất xấu hiện lên trong đầu. Tú quay lại nhìn con rể ông lắc đầu rồi chậm dãi nói : Khó lắm. Đã khuyên mỏi cả miệng mà không chịu nghe. 


   

  Thằng con rể của Tú nhìn bố vợ với ánh mắt bất lực. Nó nói với bố vợ : Thì nhà con ai cũng phản đối , bố con vẫn nhất định đi nên đành chịu. Con thấy thái độ của bác sĩ ở đây , con đoán chắc cũng nguy lắm bố ạ. Tú nhìn thằng con rể rồi hất hàm hỏi :Thế con đã cảm ơn các bác sĩ mổ chưa ? Đã hỏi cụ thể bệnh tình của ông ấy chưa ? Tú nhìn bố vợ rồi nói nhỏ :Con phong bì ngay khi con vào đây rồi, con cũng hỏi ông trưởng khoa rồi, ông ấy bảo :  Tiên lượng rất xấu, nhưng cứ để ông ấy ở phòng hồi sức tích cực để theo dõi xem sao. Tú lại nhìn vào ô kính nơi ông thông gia đang nằm, một cơ thể bất động với một đống máy móc và dây nhợ. Tú quay ra rồi cất bước đi về phía bà thông gia. Tú nói : Thôi đành đợi xem ông ấy có tiến triển gì không bà ạ. Bây giờ bà về nhà nghỉ ngơi đi, để con nó ở lại trông chứ bà cứ thế này rồi sinh ra ốm mất, mà bệnh viện họ cũng chỉ cho một người ở lại thôi. Tú quay qua con gái rồi nói : Con đưa bà về nghỉ đi, rồi thu xếp công việc có thế nào vào thay cho chồng con. Nói rồi Tú nói với con rể : Tình hình có thế nào thì báo ngay cho bố nhé.  


   Đã một tuần trôi qua tính từ ngày ông thông gia đi mổ. Tú suốt ngày bần thần, chân tay rấm rút rất khó chịu, ông đi ra đi vào , cũng chẳng thiết làm gì, mọi khi còn mở mấy bản nhạc trữ tình trên kênh Youtube , bao giờ cũng mở  âm thanh qua dàn máy , ông thích nghe tiếng rất sạch từ đôi loa Mỹ của ông, cùng tiếng treble rất mảnh, tiếng bát nặng nhưng dập dìu phát ra từ cục Supe Bass cũng của Mỹ mà ông rất mê. Tú thường nhâm nhi chén trà nóng vừa thưởng thức thứ âm thanh đó. Vậy mà một tuần nay ông cũng chẳng buồn nhìn vào màn hình Ti vi. Đang đi ra đi vào thì con gái ông về, nhìn nó phờ phạc mệt mỏi mà ông xót cái ruột. Nó vừa dựng xe xong, ông đã hất hàm hỏi nó : Thế nào? Bố chồng mày sao rồi ? Đứa con gái xụ cái mặt xuống nó đáp nhát một, cái mặt buồn thiu của nó làm ông không dám hỏi dồn. Nó trả lời ông : Thì vẫn thế, vẫn  từ xa nhìn vào, vẫn chân tay bị trói như thế. Cứ mấy ngày lại phải nộp tiền . Tú hỏi luôn : Thế nộp nhiều không ? Thì lúc bố con chuẩn bị mổ nộp bẩy mươi triệu. Còn bây giờ cứ gần bốn triệu một ngày. Sót hết cả ruột. Mà lạ lắm, bọn con vẫn chỉ được đứng ở ngoài nhìn vào trong như hôm đầu thôi. Bác sĩ cũng chẳng trả lời ra sao, cứ bảo đợi xem thế nào. Tú nghe đứa con gái nói thì lắc đầu, mặt buồn bã, ông nói với con gái : Bố nghĩ ông ấy tình hình này chắc không hồi lại được đâu, chuẩn bị tinh thần là vừa. Con gái Tú  cũng nói : Vâng, con cũng nghĩ vậy.



  Ngày thứ mười bẩy, sau khi nộp  thêm tất cả là tám mươi triệu thì bác sĩ cho gọi người nhà vào phòng trưởng khoa. Đợi vợ Hoàng cùng hai vợ chồng con trai lớn ngồi xuống . Bác sĩ trưởng khoa bắt đầu nói : Thưa bà và hai anh chị, chúng tôi rất tiếc phải thông báo đến gia đình tình hình của ông nhà, chúng tôi đã rất cố gắng nhưng do cơ thể của ông không hồi phục lại được , vừa rồi ông ấy đã chính thức ra đi. Chúng tôi thành thật chia buồn cùng gia đình. Nói rồi ông ta nói : Bây giờ mời gia đình đến gặp ông ấy lần cuối rồi chúng tôi sẽ hướng dẫn để gia đình làm thủ tục cho ông ấy.



    Nhận được tin báo từ con gái,Tú đưa vợ cùng vào bệnh viện, Ông Hoàng đã được đưa vào nhà xác. Mọi người đều có mặt ở đó. Tú lại gần  đưa tay nhấc tấm vải trắng lên, nhìn ông thông gia người nhợt nhạt như đã mất từ lâu rồi. Một vết mổ banh từ ức xuống đến dưới, hai bên đùi cũng mổ banh , các vết mổ  như không hề có dấu hiệu liền lại. Tú nói với vợ Hoàng: Thế sao chưa thay quần áo cho ông ấy? Bà thông gia nói trong tiếng nấc: Dạ cháu nó đi mua đồ rồi ạ. Vợ Tú nói vào : Mua mấy bộ quần áo mới, rồi nước thơm để lau người nữa bà ạ. Bà thông gia gật đầu đáp lại : Vâng tôi cũng dặn cháu rồi ạ. 


  Đám ma của Hoàng Cũng lặng lẽ chứ không rình rang gì. Bạn bè cũng ít người biết. Mấy ngày sau khi an táng cho Hoàng xong Tú hỏi con gái về chi phí cho ông thông gia ở bệnh viện. Con gái Tú nói : Tất cả nộp vào một trăm sáu mươi triệu , họ trả lại cho nhà con bẩy mươi triệu ạ. Tú nghe con gái  nói vậy, ông cũng không bình luận gì, trong sâu thẳm vẫn là niềm đau, vẫn là thương ông thông gia thân tình như bạn hữu. Cảm xúc dâng lên rồi trái tim như nhói đau. Tú tiếc là ông bạn đã không nghe lời khuyên của mình. Rồi Tú buột miệng : Âu cũng là cái số. Con gái Tú nghe bố nói vậy thì gật đầu đồng tình , nó nói thêm vào : Đúng là cái số của bố chồng con nó vậy, đang yên đang lành thì … ( Hết ) 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét