ĐI CẤP CỨU ! Truyện ngắn của Lao
quangthau. 5-3-2022
Buổi trưa , hai vợ chồng bà Phượng ăn cơm xong, khoảng một tiếng sau thì
bà kêu đau bụng. Ông thấy bà đau bụng quá, liền gọi cho con cả. Tùng nghe bố
nói mẹ bị đau bụng thì liền nói : Bố đưa mẹ điện thoại để con hỏi mẹ xem nào ?
Bà Phượng mặt nhăn nhó đầy đau đớn, một tay ôm bụng , nghe con trai hỏi, bà nén
cơn đau để trả lòi : Mẹ tự nhiên đau lắm, Tùng nghĩ ngay đến việc có khả năng mẹ
mình bị ngộ độc thức ăn, vì tính bà tiết kiệm, có nói thế nào cũng không sửa,
thức ăn ăn không hết là cất đi mai ăn tiếp. Khổ, cái tủ lạnh cũ luôn bị đóng đá
chỗ hơi lạnh ra nên tủ luôn không được lạnh, chắc chắn là mẹ bị ngộ độc thức ăn
rồi. Tùng nghĩ trong bụng như vậy, liền hỏi mẹ tiếp : Thế sáng nay mẹ ăn gì ?
Bà Phượng trả lời giọng run run , yếu ớt: Mẹ ăn lại chỗ gà tần hôm qua, mẹ đun
kĩ lắm mới ăn. Vậy là Tùng càng khẳng định mẹ mình bị ngộ độc thức ăn. Tùng an ủi
mẹ : Vâng để con đi mua thuốc cho mẹ uống, chắc đến tối là đỡ thôi. Hai vợ chồngTùng
ra hiệu thuốc mua mấy liều rối loạn tiêu hóa…
Mang sang đưa mẹ uống. Tùng đợi mẹ uống xong, đỡ mẹ nằm xuống. Tùng thấy
bà đau toát mồ hôi, bà bảo quanh bụng chỗ nào cũng đau. Tội nghiệp mẹ, dạo này
mẹ gầy quá, nhìn chỉ thấy da với mạch máu. Tùng xót mẹ lắm. Nhưng bản tính
không hay thể hiện ra mặt. Tùng lại nói với mẹ : Con đã dặn mẹ nhiều lần rồi,
thức ăn ăn không hết thì đổ đi mẹ cứ tiếc rẻ , rồi lại khổ cả nhà. Bà Phượng thấy
con trai nói vậy, thì bà chỉ im lặng không nói gì. Lần lượt mấy đứa con gái đều
về thăm mẹ, vợ Tùng xoa bóp tay chân cho mẹ, cứ động đến bụng là bà kêu đau.
Tùng nghĩ đến việc phải đưa mẹ đi viện là đã ngại rồi, bệnh dịch Covid 19 đang
đầy ngoài kia, đến đấy phải làm biết bao nhiêu thủ tục, rồi còn xét nghiệm
Covid các kiểu, không khéo lại lây chéo ấy chứ. có đứa em đưa ra ý kiến ; Hay
là cứ đưa mẹ đi bệnh viện. Tùng nói : Để mẹ uống thuốc xem có đỡ không đã. Thuốc
có cả than hoạt tính để hấp thụ độc chắc mẹ sẽ đỡ thôi. Đến tối uống liều thuốc
nữa, nếu không đỡ thì sáng mai đưa mẹ đi bệnh viện. Tối đút cho bà được mấy
thìa cháo thì bà không ăn nữa, kêu đau lắm, đành cho bà uống nước hoa quả và sữa.
Đến gần chin giờ thì Tùng về lo việc nhà, để vợ và em gái ở lại trông mẹ.
Sáng dậy việc đầu tiên là Tùng gọi điện sang nhà. Bố cầm máy trả lời
Tùng với giọng lo lắng : Mẹ vẫn thế, vẫn kêu đau lắm. Tùng nghĩ ; Hay là không
hợp thuốc. Tùng vội lấy xe đi sang xem mẹ thế nào. Thấy hiệu thuốc hôm qua,
Tùng đỗ lại vào hỏi : Em ơi, hôm qua anh mua thuốc rối loạn tiêu hóa cho mẹ
anh, đến sáng nay mẹ anh vẫn không đỡ ? Cô gái bán thuốc vừa lắc đầu, vừa trả lời
vội: Vậy thì em không dám bán thuốc nữa đâu, anh đưa bà đi bệnh viện đi. Hùng cảm
ơn rồi ra nổ máy xe đi vội. Vừa đi Tùng vừa nghĩ trong đầu; Có lẽ mình phải đưa
mẹ đi cấp cứu ngay thôi. Vừa lên đến gác. Tùng vào hỏi mẹ ngay. Bà thều thào,
giọng rất yếu : Mẹ đau lắm. Tùng nói : Để con đưa mẹ đi bệnh viện. Vừa lúc vợ
chồng đứa em gái út sang. Tùng nói : Em ngồi sau đỡ mẹ, để anh chở mẹ đi ra Bệnh
Viện xem sao. Tùng dìu mẹ xuống nhà, cứ vài bước bà lại đòi dừng lại nghỉ vì
đau quá. Xe vừa đỗ trước cửa bệnh viện Hòe Nhai. Mấy người đứng gần đấy xúm lại
đỡ bà Phượng xuống xe. Một cô y tá đang ngồi ở bàn trực ngoài vỉa hè, cầm cái đo
nhiệt độ, le te chạy đến hỏi : Bà bị làm sao đấy ạ? Tùng trả lời: Mẹ tôi bị đau
bụng. Cô y tá dí cái đo nhiệt độ vào trán bà rồi hô to : Ba tám phẩy năm độ .
Đưa bà sang bên kia. Tùng ngạc nhiên hỏi : Sao lại sang bên kia? Cô y tá nói :
Hai tám phẩy năm độ là sốt cao rồi , phải sang bên kia sàng lọc Covid. Vậy là
Hai anh em Tùng dìu bà sang bên đường. Mấy cô y tá cùng bác sĩ hỏi : Cụ làm sao
đấy ạ ? Tùng trả lời họ : Mẹ tôi bị đau bụng từ hôm qua, hôm nay thấy không đỡ
nên đưa mẹ tôi đến khám. Một cô y tá hỏi : Sao không khám ở bên kia ? Tùng trả
lời tiếp : Cô y tá cô ấy đo nhiệt độ thấy Ba tám độ rưỡi nên bảo sang đây xét
nghiệm Covid, với khám sàng lọc.
Mấy cô y tá dìu bà Phượng vào trong giường. Một cô bảo Tùng : Anh ngồi
đây để khai báo y tế. Tùng khai cho mẹ và mình xong. Một cô y tá hỏi : Bà có bảo
hiểm không ạ ? Tùng lấy bảo hiểm đưa cho cô y tá. Một lát cô ta chạy ra nói : Bảo
hiểm của bà mới hết hạn anh ạ. Tùng vội nói : Mẹ tôi bao nhiêu năm khám bảo hiểm
ở đây, ít nhất là có năm năm liên tục, sao hết hạn được, tôi mới đưa mẹ tôi đi
khám vẫn được mà. Cô y tá nói dứt khoát. Nhưng bây giờ đưa lên hệ thống họ từ
chối anh ạ. Vậy anh có đồng ý đóng tiền ngoài bảo hiểm để khám cho mẹ anh không
? Tùng liền hỏi : Thế phải đóng bao nhiêu hả chị ? Cô y tá trả lời ráo hoảnh :
Trước mắt hai triệu anh ạ. Tùng nói : Vâng để tôi đóng. Quay sang cô em gái
Tùng nói : Em vào đóng tiền đi. Nghĩ thế nào Tùng hỏi cô y tá : Vậy bây giờ tôi
đi đổi lại bảo hiểm có được không? Cô y tá nói : Nếu trong ngày hôm nay thì may
ra được. Lúc đó mới gần mười giờ . Tùng nói với em gái : Em tranh thủ đi đổi bảo
hiểm cho mẹ đi. Để mẹ ở đây anh trông. Tùng ngồi ở ngoài sân , cứ thấp thỏm
nhìn vào trong. Chẳng thấy họ làm gì, chỉ thấy đi ra đi vào. Cô em gái quay về
nói : Em nhờ bà mợ đi với chồng em đi đổi rồi. Tùng thấy có vẻ yên tâm liền nói
: Anh về ngó qua nhà một chút. Đi từ sáng sớm đến giờ, có thế nào gọi cho anh
ngay nhé. Cô út nói : Vâng anh tranh thủ về đi. Tùng về nhà làm nốt mấy việc,
đang chuẩn bị sang bên chỗ mẹ thì cô em út gọi điện đến : Anh ơi, họ chuyển mẹ
sang bệnh viện Đức Giang, họ nói ở đây không đủ thiết bị để xét nghiệm Covid
cho mẹ. Bây giờ xe đến rồi, chuẩn bị đưa mẹ ra xe. Tùng vừa bất ngờ vừa bực mình
mới hỏi em gái : Sao họ lại đưa mẹ sang đấy? Mà mấy tiếng rồi họ không làm gì à,
bây giờ lại bảo chuyển viện ? Cô em út nói : Em không biết, họ chỉ nói là sang
bên đó mới xét nghiệm được. Tùng nói với em gái : Vậy em theo xe đi để anh tiện
đường sang luôn bệnh viện Đức Giang.
Tùng vẫn phải quay sang phố để lấy giấy bảo hiểm cho mẹ rồi mới quay
sang bên Đức Giang được. Lúc tìm đến khoa xét nghiệm Covid lúc đó là hơn một giờ
chiều, tưởng mẹ mình đã được đưa vào phòng xét nghiệm rồi, ai ngờ chiếc xe cứu
thương vẫn nằm dưới cái nắng tháng bẩy , trời nóng như rang, cửa xe mở hết ra
vì không bật điều hòa. Tùng thấy em trai liền hỏi : Sao vẫn chưa đưa mẹ vào xét
nghiệm ?. Lúc này cậu lái xe từ trong khu xét nghiệm đi ra cất tiếng : Vẫn chẳng
có ma nào cả, họ đi đâu hết rồi ý, Hay là bọn anh đưa bác vào trong kia nằm đợi,
trong đó có quạt. Cho em xin tiền xe em về, chứ em đợi mấy tiếng rồi. Tùng thấy
cậu lái xe nói vậy thấy cũng có lý, chứ để mẹ phơi nắng ngoài này biết đến bao
giờ. Mấy anh em khiêng mẹ vào trong. Tùng hỏi lái xe cấp cứu : Thế bao nhiêu tiền
xe hả cậu ? Cậu tài xế nói : Tám trăm rưỡi anh ạ. Tùng bảo : Sao cao thế ? Từ
đó sang đây có bao lâu đâu, mà xe có gì đâu? Cậu lái xe vẫn quả quyết : Giá
chung rồi anh ạ, chứ em chẳng dám lấy đắt người bệnh đâu, mà em thấy lạ, lúc gọi
xe bảo chở bà sang Đức Giang em đã thắc mắc rồi, sao người ta không chuyển bà
vào Việt Đức, hay Sanh Pôn cho gần mà vẫn đúng tuyến, lạ thật ?. Tùng lấy tiền
trả cho cậu lái xe cấp cứu, chiếc xe vội vã phóng ra khỏi bệnh viện. Mấy anh em
cứ nhấp nhổm đi ra đi vào, đến khoảng hai giờ mới có một cậu mặc áo trắng ra hỏi
: Bác làm sao đó anh ? Tùng trả lời : Mẹ tôi bị đau bụng đưa vào cấp cứu ở bệnh
viện Hòe Nhai, họ lại chuyển sang đây. Cậu bác sĩ bảo : Lạ nhỉ ? Sao họ không
chuyển sang Việt Đức hay Sanh Pôn mà lại đưa sang đây ?. Cậu ấy nói xong hỏi :
Thế bác có bảo hiểm không ? Cậu em nói vào : Lúc nẫy chưa mang bảo hiểm sang kịp
nên phòng cấp cứu họ bảo đóng một triệu tiền xét nghiệm rồi bác sĩ ạ. Vị bác sĩ
chỉ khoảng ba mươi tuổi gật gù rồi nói : Vâng, thế được rồi. Để bọn em lấy mẫu.
Tùng đi sang bên phòng khám nộp thẻ bảo hiểm cho mẹ, quay về thấy em trai thông
báo là họ vừa lấy mẫu xét nghiệm xong. Vậy là lại đợi. cô em gái kế sau Tùng ngồi
bên cạnh mẹ. Tùng thấy mẹ thiêm thiếp, thỉnh thoảng lại nhăn nhó kêu đau lắm. Cứ
đi ra đi vào khoảng hai tiếng sau người ta mới cho mẹ Tùng sang khoa cấp cứu.
Lại một lần làm thủ tục với hỏi đủ kiểu.Rồi giấy nộp tiền được đưa ra.
Tùng lại chạy đi nộp tiền. Lúc quay lại thì bác sĩ đang thông tiểu cho mẹ.
Thông tiểu xong, Tùng hỏi mẹ : Mẹ thấy thế nào ? Có đỡ hơn không ? Mẹ Tùng nhìn
con trai rồi trả lời: Có thấy nhẹ hơn một chút. Chốc Tùng lại chạy vào hỏi bác
sĩ; Tình hình mẹ tôi thế nào rồi ạ ? Cả y tá với bác sĩ đều trả lời quanh, chúng
tôi đang hội chẩn, có lẽ bà phải mổ. Nghe phải mổ : Tùng nghĩ ngay trong bụng ;
Bây giờ mà thông báo cho mẹ, là phải mổ chắc mẹ sợ lắm. Lần trước đưa mẹ đi
trích khối u mỡ nhỏ ở cổ mà mấy lần cứ đi ra lại đi vào vì mẹ sợ quá, huyết áp
tăng cao họ không dám mổ. Tùng lại bên mẹ: Cô em gái nói : Mẹ vừa hỏi em : Các
con có thương mẹ không ? Nghe em gái kể lại mà lòng Tùng trùng xuống, nước mắt ứa
ra. Tùng cố trấn tĩnh không cho cảm xúc trào ra, Tùng cầm tay mẹ rồi nói: Giọng
nghèn nghẹt.Tùng nói : Bọn con lúc nào cũng yêu thương mẹ. Mẹ đừng nghĩ ngợi
nhiều. Bà Phượng gật đầu nói : Ừ mẹ biết rồi. Tùng lại nói chậm dãi: Chắc phải
mổ mẹ ạ. Nghe phải mổ , bà Phượng im lặng người như cứng lại. Nghĩ một lát rồi
bà hỏi lại : Thế phải mổ thật à, không có cách nào khác à ? Tùng ngậm ngùi nói
: Vâng , chắc phải mổ thôi.Tùng nói an ủi bà : Chắc không sao đâu mẹ ạ, mẹ đừng
sợ, mổ nhanh thôi. Bà Phượng miễn cưỡng gật đầu. Bà không nói gì nữa mà nằm
thiêm thiếp. Tùng ra hỏi bác sĩ : Tình hình của mẹ tôi ra sao rồi bác sĩ : Tay
bác sĩ trẻ từ nẫy vẫn đi ra đi vào bên giường của mẹ Tùng trả lời : Có lẽ bà phải
mổ ngay , chúng tôi nghi bà vị vỡ thứ gì đó, chúng tôi cũng không các định được.
Tùng nghĩ ngay ; Không xác định được là đúng thôi, bởi trước đấy Tùng thấy một
cô bác sĩ kéo cái máy siêu âm di động đến, nhìn cũ kĩ sộc sệch lắm, Tùng thấy
cô ấy siêu âm cho mẹ mình một lúc, xong lấy tay đập đập mấy cái vào cái máy
siêu âm, lúc ấy tờ giấy mới chịu nhè ra. Tùng nhìn mấy tờ giấy còn chẳng hình
dung ra hình ảnh gì, vừa nhòe , vừa tối đen. Lại còn kết quả chụp Xquang lúc nẫy
nữa, hai tấm ảnh cũng vậy, chẳng thể hiện rõ nét cái gì, tất cả cũng tối đen
như mấy tờ giấy siêu âm.
Đang nghĩ đến hai tấm phim chụp Xquang đen sì đó thì cậu bác sĩ bảo đi
đóng tiền mổ. Rồi quay lại kí vào giấy cam kết mổ. Tùng làm thủ tục xong, thì
tay bác sĩ bảo Tùng cùng cô em gái đẩy cáng vào thang máy để vào phòng mổ. Tùng
dặn mẹ lần cuối : Mẹ yên tâm nhé, bọn con đợi ở bên ngoài, chắc xong nhanh
thôi. Mẹ Tùng không trả lời chỉ gật gật đầu. Nét mặt bà rất căng thẳng, lo sợ.
Tùng cũng cảm nhận được một cái gì đó rất không lành đang đến. Bà Phượng được đưa vào phòng mổ. Hai anh em Tùng ngồi ngoài cửa phòng mổ ,
trong lòng đầy lo âu. Cô em của Tùng nói : Chẳng biết thế nào, em sợ lắm, sợ mẹ
không qua khỏi. Vừa lúc có một cậu bác sĩ trẻ mở cửa rồi ngó đầu ra hỏi : Ai là
người nhà bà Phượng ạ ? Tùng vội đứng dậy nói : Tôi đây. Bác sĩ vẫy Tùng vào
phòng rồi đưa ra một ống thở bằng nhựa vẫn còn trong túi ni lông. Anh ta nói với
Tùng : Đây là cái ống thở mới , em khuyên gia đình nên mua cho bà, chứ ở đây
người ta dùng ống thở dùng rồi không được an toàn lắm. Tùng nghe vậy liền hỏi :
Thế cái này bao nhiêu tiền ạ ? Tay bác sĩ nói : Ba trăm bẩy mươi nghìn anh ạ.
Tùng gật đầu nói : Vâng vậy tôi mua, nói xong đếm tiền đưa cho tay bác Sĩ. Tay bác sĩ cầm tiền cùng túi ống thở đi nhanh
vào phòng mổ. Một chị y tá lại chạy ra nói : Ai là người nhà chốc nữa ở lại trông
bệnh nhân thì xuống kia đóng tiền để xét nghiệm Covid đi. Tùng nói với em gái:
Thôi cứ kệ, chốc nữa hẵng hay. Ngoài trời mây đen kịt bắt đầu đổ về, mới khoảng
sáu giờ tối, hoàng hôn mới vừa tắt mà không gian đã tối sầm lại, gió thổi tung
mọi thứ. Từng đợt mưa rào quét sàn sạt trên những mái nhà, trên những mái tôn,
những âm thanh ầm ỹ cứ như có một cơn bão rất lớn đang ào đến. Bầu trời vần vũ
sấm chớp đến sợ. Một bác Sĩ lại thò đầu ra hỏi : Người nhà bà Phượng đâu ạ ?
Tùng giật mình đứng dậy trả lời : Có tôi đây ạ. Tay bác sĩ có vẻ vội, khoát tay
nói luôn : Anh vào trong này, bọn tôi cần bàn với anh một chút.
Tùng thấy nhói trong lồng ngực, linh cảm có chuyện chẳng lành, cô em kế
Tùng ngước lên nhìn tay bác sĩ đầy lo lắng. Tùng vội bỏ giầy, xỏ dép đi vào,
bên trong có ba người mặt rất căng thẳng gật đầu chào Tùng. Tay bác sĩ mổ cất lời
: Thế này anh ạ, ca mổ đang có vẫn đề. Chúng tôi vừa gây mê cho bác xong, tay
bác sĩ chỉ sang người bên cạnh giới thiệu luôn : Đây, anh ấy phụ trách gây mê,
anh nói với người nhà đi. Tay bác sĩ gây mê, mặt căng thẳng nói : Bọn tôi vừa
tiến hành gây mê thì bác bị sốc , hiện giờ rơi vào hôn mê luôn rồi. Tùng nghe đến
đây điếng người. Tay bác sĩ gây mê nói tiếp. Chúng tôi cũng tiên lượng là bác
gái rất yếu , nhưng không ngờ lại bị như vậy. Chúng tôi đang hồi sức cho bà, hiện
tại bà đã thở lại được, nhưng phải dùng máy thở. Tay bác sĩ mổ nói chen vào: Hiện
giờ sức khỏe của bác như vậy chúng tôi không thể mổ được, nếu cố mổ khả năng bà
mất trên bàn mổ là rất cao. Chúng tôi đã liên hệ với Bệnh Viện Việt Đức. Họ đã
đồng ý tiếp nhận. Theo chúng tôi, anh nên đưa bà đi sang đó, bên đó có đầy đủ
điều kiện hơn bên này, máy móc cũng tối tân hơn. Tùng phân vân chưa biết nên
như thế nào, thì cô em gái thò đầu vào nghe ké. Khi hiểu ra chuyện, cô ấy mặt
tái mét, mắt rưng rưng nói : Thôi chết bây giờ phải làm thế nào ?. Tay bác sĩ mổ
lại nói : Nếu anh để bà ở lại đây cũng được, nhưng rủi ro rất cao, chúng tôi muốn
tốt cho bà nên mới khuyên anh đưa bà về bệnh viện Việt Đức. Trong lòng rối bời,
Tùng cuối cũng cũng phải quyết định, vì không thể để lâu hơn nữa. Tùng nghĩ :
Có lẽ mẹ không qua khỏi được, nhìn cách nói của họ là hiểu rồi. Có lẽ nên đưa Mẹ
về bên Việt Đực có việc gì xẩy ra cũng gần nhà hơn.
Tùng gật đầu nói : Đành vậy, tôi đồng ý đưa bà sang đấy. Tay bác sĩ mổ
nói : Anh làm vậy là đúng, chúng tôi cũng đã gọi xe xấp cứu rồi, bây giờ chắc
xe cũng đến rồi. Anh ra chuẩn bị đồ rồi xuống dưới theo bà sang bên đó đi. Hai anh
em Tùng mở cửa bước ra ngoài. Trời vẫn trút mưa ầm ầm, kèm theo sấm chớp. Lạ thật,
mấy hôm nay trời nóng hầm hập, chẳng có biểu hiện gì là mưa gió, vậy mà từ lúc
đưa mẹ vào phòng mổ, mưa trút xuống ầm ầm, sấm chớp giật liên hồi. Nước mưa chảy
xối xả ngay trước mắt. Tùng bảo cô em gái : Em xuống lên ô tô đi với mẹ đi, anh
ra lấy xe máy đi theo. Tùng gọi điện về nhà thông báo cho gia đình biết là đang
đưa mẹ về Bệnh Viện Việt Đức. Khi xuống đến cửa phòng cấp cứu, nước chẩy cuồn
cuộn trước mặt, Gió quật những hàng cây trước sân nghiêng ngả, những vạt mưa vẫn
quất ràn rạt như đang có bão. Tùng chạy ra lấy xe, mở vội cốp xe lấy áo mưa chụp
vào người. Lúc này Tùng mới nhận thức được là mình đang mất mẹ, phóng xe trong
mưa, nước mắt cũng tuôn theo hòa với nước mưa, mưa quất rát mặt, đau rát mắt.
Trong lòng Tùng chỉ biết lậy Phật mong cho mẹ vượt qua được ải này. Gửi xe xong
Tùng chạy lại cửa Bệnh Viện Việt Đức, đã thấy anh em cháu chắt đứng đầy ngoài cổng,
mưa thì vẫn trút ào ào không thôi. Tùng lách vào khe cửa ra vào nói với mấy anh
bảo vệ: Anh làm ơn cho tôi vào, mẹ tôi vừa được đưa vào cấp cứu xong . Tay bảo
vệ khoát tay: Không được, mỗi nhà chỉ được một người thôi. Nếu anh vào thì phải
gọi người kia ra. Mà anh đã có giấy khai báo y tế chưa? Tùng trả lời : Tôi có ,
anh cho tôi vào tôi đổi cho em tôi vậy. Tay bảo vệ nói : Anh gọi anh ấy ra
ngoài đi. Tùng nói : Tôi gọi điện rồi nhưng không được, anh cho tôi vào tôi bảo
cậu ấy ra ngay. Cuối cùng Tùng cũng được vào. Tay bảo vệ còn nói với theo: Bảo
ra ngay đấy nhé, không có chúng tôi vào đuổi ra đấy.
Tùng đi nhanh vào phòng cấp cứu. Thấy cậu em ruột đang đứng ngóng ra. Cậu
thấy Tùng đến thì dẫn vào giường của mẹ. Tùng nhìn thấy mẹ nằm bất động thì suýt
òa lên khóc. Bà Phượng nằm đấy, cục máy trợ thở đặt dưới chân. Tiếng ép thở
nghe rõ mồn một. Tùng cầm tay mẹ, tay mẹ đã lạnh cứng. Tùng nói : Con đây mẹ, mẹ
cố lên nhé. Ngoài bàn trực, cậu bác sĩ cất lời : Người nhà bà Phượng đâu ạ ?
Tùng tiến lại nói : Tôi đây, có việc gì đấy ạ. Anh ta nói : Tình hình của bà nặng
lắm, chắc anh cũng hình dung ra rồi. Chúng tối sẽ cố hết sức, nhưng anh cũng phải
chuẩn bị trước tinh thần đi nhé. Tùng trả lời cậu bác sĩ : Vâng, bác sĩ bằng mọi
cách giúp mẹ tôi , có gì cứ thông báo cho tôi ạ. Tay bác sĩ lại nói : Vâng
chúng tôi sẽ cố gắng . Tùng gọi điện cho cậu em là con nuôi của bố mẹ mình. Nhờ
cậu ấy liên hệ với xếp xem sao. Một lúc sau cậu ấy gọi lại nói : Em hỏi rồi,
người ta cũng đã xuống xem cho mẹ rồi. Nói chung là anh nên chuẩn bị tinh thần
anh ạ. Tùng hiểu vậy là hết. Giường bên cạnh có một thanh niên ngoài ba mươi tuổi
chắc người ngồi bên cạnh là chị vợ. Cô ấy cứ lau nước mắt liên tục, còn người
đàn ông chắc bị tai nạn giao thông, miệng luôn miệng kêu rên, trên người anh ta
toàn vết thương hở to, nhìn thấy cả bên trong. Cảnh tượng thật kinh hãi. Ngoài
cái ống thở ô xi cắm vào mũi thì không có gì khác, mấy giường nữa cũng toàn trường
hợp na ná như vậy. Tuyệt nhiên không có ai xử lí gì. Cậu lái xe cấp cứu từ Bệnh
Viện Đức Giang sang đi lại gần Tùng nói : Anh ơi, anh xem nói chuyện với bệnh
viện thế nào để họ thay máy, trả em máy thở, anh cho em xin tiền xe , em đợi
cũng lâu lắm rồi. Tùng nói với cậu ta : Để tôi nói chuyện với họ xem sao. Tùng
lại bàn trực nói chuyện với cậu bác sĩ : Anh ạ, lái xe của Bệnh Viện Đức Giang
đang đòi máy thở, anh thay giúp tôi được không ạ ? Tay bác sĩ ngẩng lên nhìn
Tùng rồi cất lời : Bây giờ bọn em chịu chết, máy thở có hai cái thì đều phục vụ
cho bệnh nhân nặng hết rồi. không có đành phải bóp bóng thôi anh ạ. Tùng nói :
Vậy anh xem có dịch vụ cho chúng tôi thuê cũng được. Tay bác sĩ nói , cái này
thì em chịu, không có đâu anh ạ. Tùng biết , đến nước này họ để mẹ mình ở đây
chỉ là lòng nhân đạo, cốt để cho người nhà nản mà tính đường khác thôi. Tùng nhờ
mọi người tìm cách thuê máy thở, nhưng ai cũng lắc đầu. Tùng quyết định để bóp
bóng cho mẹ vậy. Tùng thanh toán tiền xe cho lái xe, cảm ơn cậu ta xong, quay
qua tay bác sĩ nói : Vậy anh cho bóp bóng hộ tôi đi ạ, họ đợi lấy máy mấy tiếng
rồi.
Tùng nói với cậu em ruột: Có lẽ đưa mẹ về thôi, chứ cứ để mẹ như thế này
cũng chẳng giúp được gì. Cô y tá cầm bong bóng bóp cho bà Phượng, cứ năm mười
nhát thì cô ta lại ngủ gật rồi lại giật mình bóp tiếp. Tùng thấy không ổn tí
nào liền ra gặp tay bác sĩ: Có lẽ bác sĩ làm thủ tục cho mẹ tôi, để tôi đưa bà
về vậy. Lúc này tay bác sĩ sốt sắng hẳn. Cậu ta nói : Vâng anh nên đưa bác về.
Vì để đây cũng chưa biết bác đi lúc nào. Bác mà mất ở đây thì thủ tục để đưa về
còn phức tạp hơn nhiều. Anh đưa bác về nhà bây giờ vẫn kịp. Nếu anh nhất trí
đưa bác về thì tôi sẽ gọi điện cho dịch vụ họ làm. Tùng hỏi anh bác sĩ : Thế bệnh
viện không làm ạ ? Anh bác sĩ trả lời : Tốt nhất là anh dùng dịch vụ ngoài, vừa
nhanh vừa tiện. Một người tầm ngoài bốn mươi lại bên anh bác sĩ. Anh bác sĩ chỉ
vào Tùng nói : Đây là người nhà bệnh nhân anh làm việc với họ nhé. Người đàn
ông tướng người chắc nịch ra dáng dân xã hội lôi Tùng ra ngoài phòng ngoài rồi
nói : Bây giờ anh em mình làm hợp đồng nhé. Anh cho em tên tuổi bệnh nhân cùng
số nhà và số điện thoại. Anh ta cắm cúi ghi xong ngẩng lên định nói tiếp thì
Tùng hỏi luôn : Thế dịch vụ như thế nào , anh cho tôi biết được không ? Anh ta
bảo: Vâng, em sẽ nhận trọn gói cho anh. Tùng nói xen vào : Cả máy thở nữa đấy
nhé. Cậu ta nói : Vâng nếu cả máy thở là bẩy trăm nghìn một giờ anh ạ, cứ thế
mà nhân lên thôi. Tùng mới bảo : Sao đắt thế ? Anh giảm bớt đi, chứ giá thế thì
cao quá. Anh ta ra chiều ngẫm nghĩ rồi nói : Bọn em là công ti nhiều khoản phải
trả lắm, mà thôi em thấy hoàn cảnh của bác em cũng thông cảm, em chốt năm trăm
một tiếng, bác đồng ý thì em làm hợp đồng. Trong lòng rối bời chuyện giá cả bây
giờ không quan trọng nữa. Tùng gật đầu nói : Vậy anh làm hợp đồng đi, cứ tính từ
mười hai giờ đi. Bây giờ là mười một rưỡi rồi, làm thủ tục ra viện xong là vừa.
Vậy là chốt.
Tùng đưa mẹ về nhà , trong nhà cũng đã chuẩn bị cho mẹ một chiếc giường
một ở dưới tầng một rồi. Đưa mẹ vào, cậu nhân viên của dịch vụ lắp máy thở ổn định
xong, cậu nói với Tùng : Cháu sẽ ở đây đến khi nào gia đình không sử dụng dịch
vụ nữa thì cháu mới về. Tùng điện báo cho các cậu em ruột của mẹ, rồi gọi tiếp
cho bên nội, thông báo là đã đưa mẹ về nhà rồi, chắc không qua khỏi đêm nay. Mọi
người ai cũng chỉ ầm ừ, tuyệt nhiên chẳng có ai qua thăm mẹ Tùng, mặc dù nhà mấy
người cậu ruột cũng ngay trong một Phường. Tùng nghĩ bụng : Có phải cái dịch
Covid chết tiệt này hay tại vì tình người quá nhạt mà chẳng thấy ai ngó ngàng đến
người thân sắp ra đi. Lúc mẹ mình còn khỏe mạnh, dù có mệt đến đâu bà vẫn cứ đi
thăm các em với họ hàng. Tùng thấy ngậm ngùi, cũng tủi thay cho mẹ mình . Mấy đứa
cháu dìu ông xuống, bố Tùng run rẩy lần lại bên chiếc giường. Tùng nói với bố :
Bố dặn dò mẹ điều gì thì dặn đi, mẹ chuẩn bị đi rồi. Bố Tùng mắt đẫm lệ, sụt sịt
cầm lấy tay bà, ông nói nhỏ trong tiếng nấc : Mẹ nó đi trước nhé, đợi tôi với
nhé. Ông không nói được nữa, cơn xúc động trào lên khiến ông ngạt thở. Ông
buông tay bà ra, thằng cháu đỡ ông ngồi xuống ghế. Cả nhà đều xúm vào quanh bà
Phượng, tiếng khóc dấm dứt, ngắt quãng của con cháu cứ cất lên rồi lại chìm xuống.
Đã hơn ba giờ đêm, tiếng máy thở gằn lên, nghe rất rõ. Người bà Phượng
đã lạnh lắm rồi, từ cổ trở xuống bắt đầu thâm tím lại. Cậu bé đi theo máy thở mới
gọi Tùng ra ngoài. Cậu ta nói với Tùng : Chú ạ, cháu thấy bà không ổn rồi, theo
cháu thì gia đình nên rút máy thở, vì bà không trụ được nữa đâu, có khi không
thể thở được nữa chú ạ, bây giờ hoàn toàn là do máy thôi, chứ người bà lạnh hết
rồi. Cháu thấy vậy thì nói với chú cũng là để chú liệu xem sao, chứ cháu bên dịch
vụ chỉ mong người thuê máy càng lâu càng tốt thôi. Tùng nói với cậu bé : Được rồi,
để chú vào bàn với gia đình, rồi chú sẽ thông báo với cháu nhé. Thằng bé nói liền
: Dạ chú cứ bàn với gia đình đi ạ. Tùng bước vào trong nhà nhìn mọi người rồi
lên tiếng : Bố ạ, con thấy tình hình của mẹ không được rồi, người mẹ cũng đã lạnh
hết, cơ thể cũng thâm hết lại rồi. Con định tắt máy thở cho mẹ, rồi Tùng nhìn
sang các em , cùng các cháu, cất tiếng nói tiếp : Mọi người có ý kiến gì không,
rất cả đều im lặng. Tùng nói tiếp : Vậy để hơn bốn giờ một chút thì tắt máy
nhé. Để mẹ ra đi cho thanh thản chứ thở ép như thế này cũng không ổn. Mọi người
đều đồng ý với lời của Tùng. Tùng nói với cả nhà : Bây giờ mọi người chia tay mẹ
đi. Bố Tùng lại nắm cánh tay đã lạnh toát của vợ, ông vừa khóc vừa nói : Bà đi
nhé. Rồi ông nấc lên không nói được nữa. Thằng con của Tùng vừa cầm tay bà vừa
nói : Bà ơi, bà đi nhé, bà nhớ đi đường thẳng , có ai gọi bà , bà cũng không được
quay lại nhé. Cháu yêu bà ! Tùng không cầm lòng được cậu ôm vai mẹ khóc , miệng
nói : Mẹ ơi, mẹ cho con xin lỗi mẹ, bao nhiêu năm nay con chưa ngày nào làm cho
mẹ vui. Con yêu mẹ ! Tiếng khóc rộ lên mọi người ai cũng nấc nghẹn. Tùng nhìn
sang cậu trông máy rồi nói với nó : Cháu làm đi. Thằng bé bắt đầu thận trọng
rút từng dây một . Tiếng máy phát ra tiếng tít dài rồi tắt hẳn, ống thở đã được
rút ra khỏi miệng của bà Phượng. Một chút nước ri rỉ ra hai bên khóe mắt của bà.
Bà Phượng nằm bất động như đang ngủ say, xung quanh, tiếng con cháu khóc dấm dứt.
Tám giờ sáng xe nhà đòn đến đưa bà Phượng đến nhà lạnh tại Phùng Hưng.
Tùng theo xe đến làm thủ tục, rồi dúi tiền cho mấy người trông coi phòng lạnh,
nhờ họ làm cơm và thắp hương cho bà Phượng hàng ngày. Tùng về đến nhà đã thấy
bên nhà tang lễ đến làm bàn thờ đã xong. Tùng đi xem ngày giờ để phát tang và
đưa mẹ đi hỏa táng. Vậy là ba hôm sau mới đưa mẹ đi hỏa táng . Rồi làm thủ tục
gửi tạm mẹ tại Văn Điển. Tùng chưa bao giờ nghĩ đến ngày phải chia tay mẹ mình
nhanh như thế. Nên chuyện mua đất đai ở quê để xây mộ cũng chưa tính đến. Bây
giờ đối diện với mất mát quá lớn này. Trong lòng Tùng hụt hẫng , khó tả , cứ
không muốn tin là mẹ mình đã mất, chỉ nghĩ một chút hay động đến việc của mẹ
thôi là Tùng lại chẩy nước mắt. Tùng tự oán trách bản thân, bao nhiêu năm nay
làm ăn lúc thế này lúc thế kia, cuối
cùng vẫn không lo được cái nhà cho riêng mình, lúc nào cũng để cho bố mẹ phải
lo lắng, suốt ngày mẹ cứ lo làm món nọ món kia để đưa cho con cháu. Tùng nhiều
lúc phát bực nói với mẹ : Bây giờ mẹ già rồi, yếu rồi, mẹ đừng làm như vậy nữa,
thời gian mẹ lọ mọ nấu nướng đó để nghỉ ngời thì tốt hơn. Mặc con cái nói bà vẫn
cứ làm theo ý mình. Tâm nguyện của bà lúc nào cũng mơ ước Tùng mua lại được cái
nhà để hai ông bà về ở cùng. Bà luôn cầu mong cho Tùng nhanh thoát khỏi cảnh đi
ở thuê . Vậy mà bà ra đi nhanh quá , Tùng chưa làm được việc bà mong muốn. Từ
lúc mẹ mình mất, Tùng luôn mang cảm giác có lỗi với mẹ mình. Nỗi đau trong lòng
cứ hàng ngày nhói lên, nó cứ dày xéo tâm
trí của Tùng.
Khoảng thời gian trống chưa phải làm ma cho mẹ. Tùng soạn lại giấy tờ của
mấy Bệnh Viện. Tùng cầm mấy hóa đơn của Bệnh Viện Hòe Nhai rồi lấy xe đến Bệnh
Viện. Gửi xe xong, Tùng lại chỗ bàn khai báo cách ly bên chỗ hôm trước đưa mẹ
vào. Cô y tá nhìn Hùng hỏi : Có việc gì thế anh ? Tùng nhìn cô ta rồi nói : Tôi
đến để thanh toán viện phí cho mẹ tôi. Cô y tá nói: Anh cho em xem giấy tờ ạ.
Cô ta đọc mấy tờ giấy rồi nói : Đã thanh toán xong rồi mà anh. Tùng nói lại với
cô ấy : Hôm đó chuyển viện nên tôi chưa hiểu rõ ràng việc thanh toán như thế
nào. Hôm nay tôi muốn các chị thanh toán theo bảo hiểm của mẹ tôi. Cô ta cầm thẻ
bảo hiểm cùng giấy tờ đi vào trong, khoảng năm phút sau cô ấy ra nói với Tùng :
Hôm trước vì không có bảo hiểm nên bệnh viện đã thanh toán theo chế độ tự chi
trả rồi anh ạ. Cái này không sửa được. Tùng vẫn ấm ức chuyện lần trước đáng lẽ
chúng nó đưa mẹ mình vào Việt Đức hoặc Sanh Pôn, thì biết đâu chuyện đã khác.
Tùng nổi máu nóng nói to. Hôm trước tôi đã nói tôi sẽ đi đổi bảo hiểm cho mẹ
tôi, mọi người đã đồng ý, vậy mà tôi vừa đi khỏi thì mọi người đưa mẹ tôi sang
Bệnh Viện Đức Giang. Mọi người có còn là con người không? Giữ mẹ tôi mấy tiếng
không làm gì rồi đưa sang bên Đức Giang, đúng lúc giữa trưa, mất mấy tiếng nằm
ngoài trời nắng đợi để được xét nghiệm, đến chiều tối họ mới làm xong thủ tục.
Mọi người ở Bệnh Viện Hòe Nhai này mấy tiếng không làm gì cho mẹ tôi mà đòi
thanh toán một nửa tiền. Lúc này tay bác sĩ, người gầy mặt choắt, chắc là trưởng
của trung tâm này chạy ra nói : Tôi đề nghị anh nói nhỏ thôi, hôm đó chúng tôi
không có xét nghiệm Pcr nên mới phải chuyển bà đi. Tùng cay mũi vẫn nói lớn : Mẹ
tôi bị đau bụng vào cấp cứu , đau thì nó phải sốt, có 28 độ 5 các anh không đưa
vào cấp cứu mà bắt sang bên này để xét ngiệm xem có phải Covid không. Vậy sao
giữ mẹ tôi mấy tiếng không làm gì, rồi mới nói không có xét ngiệm Pcr. Anh có
phải là con người không? Sao anh không đặt anh vào vị trí tôi, là mẹ anh bị như
vậy ?. Anh có dám chuyển mẹ anh sang bệnh Viện Đức Giang không? Sao anh nhẫn
tâm chuyển mẹ tôi sang đấy ? Trong khi bệnh viện Việt Đức với Sanh Pôn cũng vẫn
đúng tuyến. Chính các anh là nguyên nhân để mẹ tôi bị chết. Cả đám y bác sĩ im
thin thít, tay bác sĩ cũng trốn luôn vào phòng, một cô y tá ra nói : Anh cho em
xin lại giấy để em làm lại thủ tục bảo hiểm cho mẹ anh. Tùng đưa mấy tờ giấy
cho cô đó, rồi vẫn ấm ức , Tùng lại nói lớn : Chính các người đã làm cho mẹ tôi
bị chết oan uổng. Tôi sẽ kiện các người. Lúc này mấy cô y tá ra nói nhỏ với
Tùng: Anh nói nhỏ lại được không ạ? Thủ tục cũng sắp xong rồi đấy ạ. Tùng điên
lắm, trong người vẫn bừng bừng ngọn lửa căm giận bọn bất lương, Tùng đứng dậy
đi ra ngoài đường, cậu lại quán nước gọi cốc trà nóng. Thỉnh thoảng lại có người
ngó từ trong bệnh viện ra chỉ trỏ vào Tùng. Thấy mãi chưa xong Tùng quay qua hỏi
cô y tá vừa đi đến: Sao lâu thế em? Cô ta lúng túng rồi trả lời : Sắp xong rồi
anh ạ, vì phải sửa lại toàn bộ hồ sơ nên hơi bị lâu, máy lại không vào được ạ.
Tùng nói: Cảm ơn em. Nhưng hình như họ sợ Tùng sẽ điên tiết mà nói lớn giữa phố
ngay trước cửa bệnh viện Hòe Nhai. Chỉ mấy phút sau một cô y tá cầm tờ giấy và
tiền ra đưa cho Tùng. Cô ấy giải thích : Thế này anh ạ. Bọn em vẫn chưa vào máy
được, nhưng sợ anh phải đợi lâu nên làm tắt trước để anh về. Bệnh viện trừ lại
tám trăm, đây là số tiền thuốc không nằm trong bảo hiểm, hôm trước đã xử lý cho
mẹ anh. Còn đây là thừa hơn bẩy trăm nghìn ạ. Tùng cầm giấy tờ và tiền đút vào
cặp rồi cảm ơn cô y tá, trả tiền nước rồi ra lấy xe đi về. ( Hết )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét